Nhiều đền chùa ở Hà Nội đặt hòm công đức quá quy định

Theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức. Tuy nhiên do khách đông nên trụ trì tại một số di tích đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức.

Sáng 15/3, trong phiên giải trình Thường trực HĐND TP Hà Nội về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, liên quan đến tiền công đức tại các đền chùa, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao trả lời về công tác quản lý lễ hội đầu xuân.

Những năm qua, Hà Nội đều thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn.

Trong kỳ lễ hội chính, số lượng khách đến đông nên số lượng hòm công đức không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chen lấn.

Chính vì vậy, trụ trì tại một số di tích đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức.

Về việc sử dụng tiền công đức, đối với các di tích có ban quản lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi đều thực hiện thông qua kho bạc Nhà nước và công khai trước dân và đảm bảo theo quy định.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao cho biết, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các vị sư chủ trì và nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP công khai minh bạch

Trước đó, giải trình câu hỏi của đại biểu về các hộ kinh doanh bày bán tràn lan thịt sống, thịt thú rừng tại khu vực chùa Hương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, huyện tăng cường xử lý thường xuyên.

Hôm 14/3, huyện đã xử lý 23 trường hợp vi phạm, phạt hơn 17 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Hoạt khẳng định: “Các cuộc kiểm tra đều xác định là thịt giả thú rừng chứ không phải là thịt thú rừng như báo chí phản ánh. Vì thế, chính quyền và ban quản lý lễ hội đã tăng cường quản lý và xử lý nghiêm”.

Giải trình về điểm trông giữ xe trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong nói, trên địa bàn quận Đống Đa có 16 lễ hội, với nhiều lễ hội quy mô hơn và có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Thời gian qua và nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, xung quanh khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám có một điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận Đống Đa cấp phép (theo phân cấp 41).

Để đảm bảo nhu cầu người dân đến tham quan dịp Tết, UBND TP cũng cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất).

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị này đúng này có vượt quá diện tích được cấp phép, một số hộ dân tự phát trông giữ xe.

Khi phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại đây, nên sau mùng 5 Tết không còn hiện tượng này tại các khu vực của quận./.

Đ.Hưng/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nhieu-den-chua-o-ha-noi-dat-hom-cong-duc-qua-quy-dinh-739899.vov