Nhiều đề xuất, kiến nghị xung quanh dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp tại Hội thảo xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tổ chức trong sáng 26/8 tại TP Hồ Chí Minh. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, xem xét điều chỉnh một số những tồn tại, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo việc chăm lo sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn.

5 nhóm vấn đề được đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các chuyên gia y tế, nhà quản lý, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, và đại diện các bộ, ngành liên quan thuộc khu vực phía Nam…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh là đạo luật quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, nên Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi tích cực với sự tham gia của nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học và nhà quản lý.

Theo đó, các đại biểu sẽ đóng góp tập trung 5 nhóm vấn đề, gồm: Nhóm 1 liên quan đến thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh, quy định về địa vị pháp lý, mối quan hệ của hội đồng y khoa quốc gia với các cơ quan quản lý, về vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội chuyên môn trong quá trình đào tạo chuyên môn và hoạt động giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Nhóm 2 liên quan đến quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, về các chức danh nghề nghiệp cần được cấp giấy hành nghề khám chữa bệnh, về sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Nhóm 3 liên quan đến hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh, quy định phân cấp hệ thống khám chữa bệnh, cách thức chuyển tuyến kết nối của các tuyến, phân cấp khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân, phân hạng bệnh viện.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét điều chỉnh một số tồn tại, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh.

Nhóm 4 liên quan đến giá dịch vụ khám chữa bệnh, nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ, quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh. Và nhóm 5 liên quan đến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, cơ chế giám sát trong khám chữa bệnh dịch vụ, khám chữa bệnh phi lợi nhuận, khám chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao…

Xem xét cơ cấu giá dịch vụ y tế bao gồm cả các chi phí về thuế

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV đề xuất cần tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành sẽ là cơ sở để các bệnh viện tham khảo xây dựng bảng giá cho bệnh viện của mình. Bệnh viện tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất về Bộ Y tế.

Ông Trí nói thêm: “Tính là phải tính đúng, tính đủ. Còn thu, tùy theo loại hình tự chủ là gì và tùy đầu tư của Nhà nước. Tự chủ một phần, tự chủ toàn phần, tự chủ toàn diện sẽ khác nhau, đặc biệt là thuế”.

Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho rằng việc bổ sung thêm chi phí về các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật là rất cần thiết. Hiện các bệnh viện công lập ở Cần Thơ đang thiếu nợ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, với Dự thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này, Sở Y tế Cần Thơ đề xuất, về chính sách thống nhất quan điểm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó đề nghị, bổ sung ưu tiên kinh phí cho việc đầu tư các cơ sở y tế chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị.

Cần xem xét sửa đổi về vấn đề thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: cần làm rõ hơn thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động đối bệnh viện ngoài công lập thuộc Sở Y tế hay Bộ Y tế, vì hiện nay thẩm quyền thuộc Bộ Y tế

Đặc biệt là về thẩm quyền quyết định giá, theo BS Việt Nga, cần thống nhất áp dụng chung toàn quốc và không giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh thành ban hành nghị quyết vì qua nhiều năm Hội đồng nhân dân các tỉnh cũng ban hành bằng giá của các Thông tư của Bộ Y tế. “Luật cần quy định cụ thể hơn việc có hay không trong việc đóng thuế đối với giá khám bệnh chữa bệnh được ban hành theo khung giá của Nhà nước, vì trong cơ cấu giá trong dự thảo chưa bao gồm thuế, kể cả các chi phí ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay”.

Một số ý kiến tại hội thảo rất quan tâm tới vấn đề đội ngũ y bác sĩ cần có một nghiệp đoàn bảo vệ người hành nghề y như nhiều nước trên thế giới. Đây là cơ quan gồm những người có trình độ chuyên sâu, có cả luật sư. Chức năng của nghiệp đoàn xử lý khi có sai sót y khoa xảy ra sẽ làm việc với hội đồng chuyên môn để đi đến kết luận y bác sĩ có sai phạm hay không. Không như ở trong nước hiện nay, việc bảo vệ đội ngũ y bác sĩ giao cho Bộ Y tế nhưng đơn vị này chưa thực sự bảo vệ được người hành nghề y…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, bà cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh ngành y tế có nhiều vấn đề khó khăn được bộc lộ. Nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi để việc xây dựng Luật được cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, theo bà Lan, có những nội dung không thể giải quyết được trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này như liên quan đến công tác đấu thầu, xác định giá… hiện đã có 2 luật là Luật giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến giá và đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Quyền Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, cùng với việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, xem xét điều chỉnh một số tồn tại, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh.

Huyền Nga

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-de-xuat-kien-nghi-xung-quanh-du-thao-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi--i665483/