Nhiều đại học lấy 15,5 điểm ngành Sư phạm

Điểm đầu vào thấp khiến nhiều người lo ngại về chất lượng của đội ngũ giáo viên tương lai.

Nguồn tuyển khan hiếm, nhiều trường phải lấy điểm chuẩn ngành sư phạm bằng mức sàn của Bộ Giáo dục là 15,5. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Ngược với xu hướng tăng điểm chuẩn của trường tốp đầu như Công an, Quân đội, Y dược, khối Sư phạm trừ hai đại học lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn cao, phần đông trường địa phương lấy điểm trúng tuyển bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hóa) 10/10 ngành Sư phạm hệ đại học lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Hùng Vương (công lập, tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. Đại học Tân Trào (công lập, tỉnh Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ đại học (mầm non, tiểu học, Toán, Sinh) là 15,5 điểm.

Đến những trường vùng miền có "thương hiệu" lớn như Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An), điểm chuẩn nhóm Sư phạm Tự nhiên (Toán, Tin, Vật lý, Hóa học) và Sư phạm Xã hội (Văn, Sử, Địa, Chính trị, Tiểu học, Quốc phòng an ninh) cũng chỉ ở mức sàn 15,5, trừ Giáo dục tiểu học. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn bằng mức sàn 15,5.

Nhiều trường công lập vùng miền như: Đại học Tây Nguyên; Đại học An Giang điểm trúng tuyển ngành sư phạm cũng rất thấp. Đầu vào sư phạm thấp khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai và lớp lớp học trò của các thầy cô này sẽ ra sao.

Điểm chuẩn thấp vì không có nguồn tuyển

Lý giải việc lấy điểm đầu vào sư phạm thấp, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Tân Trào - Khổng Chí Nguyện cho biết, vì nguồn tuyển khan hiếm quá. Ngành Sư phạm Toán trường tuyển 35 chỉ tiêu nhưng số đăng ký xét tuyển chưa tới 10. "Các em này có nhập học hay không, tôi cũng chưa dám chắc", ông Nguyện nói. Số thí sinh vào hệ cao đẳng sư phạm các mùa tuyển sinh trước chỉ đạt 50-60% chỉ tiêu.

"Trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh như miễn phí ký túc xá năm 1-2; trao học bổng cho 10 em trúng tuyển đầu vào điểm cao nhất, học bổng các kỳ đào tạo, sinh viên có điểm xuất sắc được giữ lại trường hoặc thực tập ở nước ngoài... Tuy nhiên, việc tuyển nhân lực tương lai cho đội ngũ giáo viên địa phương vẫn thật khó khăn", ông Nguyện nói.

Phân tích của Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng cho thấy, dù ngành Sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh chỉ lấy 15,5 điểm, nhưng số trúng tuyển vẫn thiếu rất nhiều. Ngành Sư phạm Tin tuyển 40 chỉ tiêu thì có 3 thí sinh đỗ với mức điểm 17-20. Ngành Sư phạm Vật lý chỉ tiêu 60 nhưng số trúng vào mới được 22, trong đó 5 thí sinh có mức điểm xét tuyển 15,5-16,75.

Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Phúc Chỉnh giải thích, khu vực tuyển sinh của Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là miền núi phía Bắc. Nơi này rất ít thí sinh đăng ký thi môn tổ hợp khoa học tự nhiên nên nguồn tuyển bị hạn chế. Để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu, các trường sư phạm xác định điểm chuẩn của một số ngành bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ Giáo dục, đặc biệt là ngành tuyển theo khối A, B.

Chế độ đãi ngộ giáo viên thấp, chưa thu hút được thí sinh

Việc trường sư phạm nói chung, đặc biệt là đại học vùng/miền lấy điểm chuẩn thấp, thiếu nguồn tuyển, theo một chuyên gia giáo dục là do chế độ đãi ngộ cho giáo viên thấp.

"Giữa dạy học và đi xông vào lửa để chữa cháy mọi người sẽ muốn làm gì hơn? Tất nhiên, chẳng ai muốn lao vào đám cháy nguy hiểm ấy. Nhưng vì sao Đại học Phòng cháy chữa cháy vẫn tuyển được sinh viên với mức điểm vượt trần 30,25? Lý do là sinh viên trường đó được nhà nước bao cấp từ học phí, sinh hoạt đến biên chế việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngành sư phạm sau khi ra trường phải trầy trật đi xin việc, làm hợp đồng bao năm may mắn thì được suất biên chế, nhưng lương thưởng cũng chưa xứng đáng", chuyên gia phân tích.

Vị này chia sẻ thêm, giữa việc lấy điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh vào học với việc lấy chuẩn thấp để có đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu tại chỗ của địa phương, các trường vùng miền buộc phải chọn vế thứ hai. Bởi lẽ "có mấy sinh viên học ở Hà Nội muốn về tỉnh vùng xa dạy học".

Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận, những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... "chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác". Ngoài ra, tâm lý xã hội, xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực các ngành... cũng tác động khiến học sinh chưa thực sự hứng thú với nghề giáo để đăng ký học và trường địa phương buộc phải lấy mức chuẩn bằng điểm sàn.

Theo VnExpress

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhieu-dai-hoc-lay-155-diem-nganh-su-pham-d47091.html