Nhiều đại gia Việt bớt duyên thương trường, đi tìm đạo hạnh

Khi tìm tới cửa Phật, họ muốn tìm đến sự bình yên trong tâm trí. Phật giáo không phân biệt người giàu - kẻ hèn mà quan trọng người từ bỏ tham-sân-si.

Ngày 17/7/2020, thông tin ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen quy y Tam bảo tại chùa Viên Minh, Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ. Bởi vị đại gia này đang sở hữu cơ ngơi hàng nghìn tỷ đồng trong tay nhưng lại tìm đến cửa Phật để tìm đến sự tĩnh tại trong tầm hồn của mình.

Theo Phật giáo, nghi lễn quy y Tam bảo rất quan trọng, được xem như điểm khởi đầu trong hành trình theo giáo lý đạo Phật của một phật tử. Phật tử có thể sinh hoạt bình thường trong cộng đồng, không chịu sự ràng buộc của Giáo hội như xuất gia.

Tại HĐCĐ thường niên vừa qua, ông Vũ cho biết, hơn 3 năm qua sau vụ thất bại ở Cà Ná, ông ít lên công ty. Những năm trước đó, ông ở trên núi và thỉnh thoảng thăm vợ con bên Úc. Hai tháng chỉ đến công ty 1 ngày, mà đến cũng chỉ 1 tiếng đồng hồ. Công việc chủ yếu trao đổi qua điện thoại, nếu ổn định có khi ông chỉ gọi về doanh nghiệp 2-3 lần/tháng.

Ông Lê Phước Vũ trong lễ quy y Tam bảo. Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Lê Phước Vũ trong lễ quy y Tam bảo. Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước đó, một đại gia khác của Việt Nam là Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên cũng lên núi ở ẩn, ăn chay thiền định mang hơi hướng tu hành của Phật giáo.

Sau nhiều năm, ông Vũ xuất hiện mà theo cách nhìn của nhiều người về tâm tính của người đàn ông này có nhiều sự thay đổi. Chính vị đại gia này cũng từng trả lời báo chí với phong thái nghĩ mình là "người trên" với sức mệnh thay đổi loài người, chữa được bách bệnh chỉ cần theo phong cách tu tập mà vị đại gia này hướng dẫn.

Một trường hợp khác là đại gia Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng 'lò vôi". Ngày Phật đản 2020, ông Dũng đã thông tin về việc ông sẽ rời khỏi thương trường và bán số tài sản ông đã gây dựng suốt 40 năm qua để làm thiện nguyện.

"Bắt đầu từ ngày 8/5, trên thương trường sẽ vắng một Huỳnh Uy Dũng mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phúc", vị đại gia chia sẻ trên trang cá nhân.

Hay đại gia Nguyễn Xuân Trường - chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) cũng ăn chay trường và làm nhiều siêu dự án tâm linh trong nhiều năm qua.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Thượng tọa Thích Minh Khang - thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: "Theo quan niệm của Phật giáo thì không phân biệt giàu - nghèo, thiện - ác... bản thân mỗi con người khi tìm đến cửa Phật đều được đón nhận. Họ có thể tìm đến cửa Phật để thấy sự giải thoát trong tâm hồn, cầu bình an hay vì mục đích nào đó nhưng cái quan trọng nhất là phải bỏ đi được tập tính tham - sân - si trong con người mình".

Theo vị Thượng tọa, Đạo Phật cũng không yêu cầu người tu tập phải xuống tóc, ăn, ở tại chùa.

"Tu ở trong tâm, tu tại gia cũng là một hình thức tu luyện trong đạo Phật mà nhiều người hiện nay thực hiện. Đó là một điều rất tốt, hướng con người ta đến sự thiện lành, chân ái. Khi tu tập, con người sẽ bỏ đi được lòng tham, thói xấu ở đời. Có như thế thì việc tu tập lại càng trở lên ý nghĩa hơn" - Thượng tọa Thích Minh Khang cho hay.

Ngọc Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/nhieu-dai-gia-viet-bot-duyen-thuong-truong-di-tim-dao-hanh-3413710/