Nhiều đại gia liên tiếp nhảy vào thị trường thịt heo

Sản lượng tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam hiện nay bình quân là 33,5 kg/người nhưng đến năm 2020 dự kiến con số này sẽ là 39 kg. Điều này cho thấy đây là một thị trường rất tiềm năng.

Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan chính thức tung ra thị trường vào ngày 23/12/2018 đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về thịt mát

Thị trường nội địa tăng trưởng nhanh

Triển khai xây dựng vào tháng 2/2018, sau 10 tháng thi công, Dự án Tổ hợp Chế biến thịt MNS Meat Hà Nam của Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) thuộc Tập đoàn Masan với công suất thiết kế là 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm đã chính thức được khánh thành ngày 23/12 tại Hà Nam.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group nhận định: Người Việt chưa đạt khẩu phần protein cần thiết theo tiêu chuẩn thế giới, hiện chỉ đang khoảng 40kg thịt/người/năm, ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu lần lượt là 20, 25, 35 kg/người/năm. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt cũng đang phải chi trả đắt từ 1,5 – 2 lần cho các sản phẩm thịt cùng loại và tiêu chuẩn so với người Mỹ, trong khi thu nhập tính theo PPP chỉ bằng 1/10. Vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang đe dọa cuộc sống người dân. Thông qua nhà máy, Masan có thể hiện thực hóa mục tiêu mang lại thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 4/11, tại Hải Hậu (Nam Định), Công ty TNHH Biển Đông DHS đã tổ chức lễ khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt heo theo công nghệ quốc tế. Với công suất giết mổ 300 con heo mỗi giờ, nhà máy Biển Đông DHS sẽ góp phần phát triển vùng chăn nuôi heo ổn định, đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh phụ cận.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết: "Trong 2-3 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi heo đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thịt heo sạch, an toàn của người dân ngày càng tăng cao, đây là khó khăn song cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi thịt heo chế biến và xuất khẩu."

Đánh giá tiềm năng ngành công nghiệp thịt tại Việt Nam, ông José Ramón Godoy - Trưởng ban Quốc tế của Tổ chức Liên hiệp Nông nghiệp Thực phẩm của ngành Công nghiệp Thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno) chia sẻ: Việt Nam với gần 100 triệu người, dân số trẻ, sức mua càng ngày càng tăng vì người dân thích ăn nhiều thịt. Sản lượng tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam hiện nay bình quân là 33,5 kg/người nhưng đến năm 2020 dự kiến con số này sẽ là 39 kg. Điều này cho thấy đây là một thị trường rất tiềm năng. Đáng chú ý, người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và lựa chọn những sản phẩm ngon và sạch."

Theo các chuyên gia, 98% thị trường thịt đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa, chỉ 2% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại cũng chủ yếu tham gia vào phần thịt chế biến sẵn, như xúc xích chẳng hạn. Còn thịt chưa qua chế biến, hơn 90% thịt được tiêu thụ qua kênh phân phối là các chợ truyền thống.

Ông Matthys van der Lely, Tổng giám đốc ngành thịt Tập đoàn Masan Nutri – Science (MNS) – cho hay, thị trường này đang có giá trị là 10,2 tỷ USD. Masan đặt mục tiêu chiếm lĩnh được 10% thị trường thịt. Nhưng để làm được điều này, trước tiên Masan phải có bằng được 20% thị phần ở các thành phố lớn.

Còn ông Gabor Fluit. Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết: "Trong 2-3 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi heo đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thịt heo sạch, an toàn của người dân ngày càng tăng cao, đây là khó khăn song cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi thịt heo chế biến và xuất khẩu.

Sự có mặt của thịt mát trên thị trường kể từ ngày 23/12 được coi là một "cuộc cách mạng" về thịt. Tuy nhiên, để thay đổi tâm lý và thói quen của các bà nội trợ trong nước, con đường ở đây là phải cung cấp cho thị trường sản phẩm thực sự tốt và có giá cả phù hợp. Ông Matthys van der Lely tin tưởng nếu sản phẩm tốt hơn, ngon hơn, an toàn hơn, mọi người sẽ thay đổi vì ai cũng muốn điều tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Pha lọc thịt mát tại Tổ hợp Chế biến thịt MNS Meat Hà Nam

Hướng đến xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Chế biến và phân phối lưu thông hiện đang là hai khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa thịt heo từ cuối năm 2016 đến năm 2017.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi thừa nhận, những năm trước nước ta hầu như không xuất khẩu được thịt heo. Năm 2018, ước xuất khẩu thịt, trứng đạt gần 600 triệu USD. Đây được coi là thành tựu bước đầu, nhưng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản rất thấp, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 13%. Muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu thịt, phải tập chung vào 2 khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông.

Trong năm 2017 và năm 2018, đã có một số doanh nghiệp kể trên tập trung đầu tư vào khâu khó nhất đó là tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, gắn với dây chuyển công nghệ, giết mổ hiện đại, có chế biến sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hiện nay, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã các định thịt heo là mặt hàng cần phải ưu tiên mở thị trường xuất khẩu. Hai bộ đang có nhiều hoạt động xúc tiến, khảo sát, đàm phán tháo gỡ vướng mắc với nhiều nước trong khu vực nhằm xuất khẩu các sản phẩm thịt heo. Một số nước đã đồng ý cho nhập khẩu thịt heo dạng chín từ Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt cho việc xuất khẩu sản phẩm thịt heo sống trong thời gian tới.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nhieu-dai-gia-lien-tiep-nhay-vao-thi-truong-thit-heo-21289.html