Nhiều đại gia bán lẻ rời Việt Nam, Petrolimex tính mở 2.000 cửa hàng tiện lợi

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không chỉ kinh doanh xăng dầu mà đang có kế hoạch đầu tư ngoài ngành với chuỗi 2000 cửa hàng tiện lợi tại các điểm bán xăng dầu trên toàn quốc. Dư luận hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch này.

Một nhà thuốc nằm trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Zing.vn

Một nhà thuốc nằm trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Zing.vn

Theo thông tin mới công bố, Petrolimex đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng mặt hàng có thể lên tới 2.000 sản phẩm. Được biết, Petrolimex đã nghiên cứu kế hoạch này trong 5 năm qua và đang triển khai thực hiện.

Thuyết minh của DN này cho hay: Việc thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi nói trên nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế từ việc sở hữu hơn 5.200 cửa hàng xăng dầu trải khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hàng loạt đại gia bán lẻ rời Việt Nam

Động thái này của Petrolimex được đưa ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Hàng loạt đại gia bán lẻ nước ngoài làm ăn thua lỗ, quyết định bán lỗ, thoái lui và rút quân khỏi thị trường Việt Nam. Thực tế trên khiến dư luận có quyền hoài nghi về tính hiệu quả của chuối cửa hàng tiện lợi của Petrolimex.

Các đại gia bán lẻ thua lỗ tại Việt nam có thể kể đến: Metro AG của Đức bán lại hệ thống Metro Cash & Carry cho TCC Group; Casino Group của Pháp bán lại Big C Việt Nam cho Central Group (2016); Maximark, Fivimart hay Shop&Go được bán lại cho Vingroup; Jardine Matheson Group cũng đóng cửa siêu thị Giant. Mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail đã lên kế hoạch bán hoạt động kinh doanh siêu thị đang thua lỗ tại Việt Nam do thua lỗ liên tục.

Sự ra đi của hàng loạt tên tuổi lớn nêu trên cùng với sự "rón rén" của chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới 7-Eleven, và quyết định ngừng đầu tư vào thị trường Việt Nam của Tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 Nhật Bản - FamilyMart vì thua lỗ là minh chứng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng nhưng mức độ cạnh tranh là vô cùng khốc liệt.

Petrolimex kinh doanh ngoài ngành, ai gánh hậu quả nếu thua lỗ?

Với Petrolimex, việc DN này quyết định đầu tư vào các hoạt động kinh doanh không bị pháp luật cấm và tất nhiên đã có ý kiến phê duyệt/chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước (đối với Petrolimex là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp).

Tuy nhiên, vẫn cần có sự quản lý, giám sát của Nhà nước để tránh việc kinh doanh ngoài ngành của Petrolimex ảnh hưởng tới giá bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng trong trường hợp thua lỗ.

Petrolimex đang kinh doanh ngoài ngành thế nào?

Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của Petrolimex, 02 khoản góp vốn vào Ngân hàng Eximbank (với giá gốc khoảng 50 tỷ đồng) và công ty cổ phần An Phú (110,7 tỷ đồng) đều đã được Petrolimex trích lập dự phòng với tổng số hơn 120 tỷ đồng, lần lượt là 15,244 tỷ đồng và 105,560 tỷ đồng. Nghĩa là, Petrolimex đã đưa vào chi phí của doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng cho khoản lỗ có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Ngọc Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhieu-dai-gia-ban-le-roi-viet-nam-petrolimex-tinh-mo-2000-cua-hang-tien-loi-77485.html