Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề thu hút, trọng dụng người tài

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 10-6, các đại biểu Quốc hội (QH) cơ bản đồng tình và đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, đối với vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, một số đại biểu QH cho rằng, cần phải bổ sung những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, đồng thời phải bảo đảm công bằng trong thu hút người tài.

Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê (Đác Lắc).

Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê (Đác Lắc).

NDĐT- Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 10-6, các đại biểu Quốc hội (QH) cơ bản đồng tình và đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, đối với vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, một số đại biểu QH cho rằng, cần phải bổ sung những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, đồng thời phải bảo đảm công bằng trong thu hút người tài.

Cần có khung tiêu chí để xác định người tài

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc thu hút, trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, từ xưa ông cha ta đã làm và gọi họ là “nguyên khí quốc gia”, và Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên và có các chính sách để thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này được cụ thể hóa thêm về chính sách (được thể hiện trong dự thảo Luật) đối với nhân tài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước xác định rõ ràng về khái niệm nhân tài.

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, nên bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn, tiến cử, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum).

Còn đại biểu Y Khút Niê (Đác Lắc) bày tỏ sự băn khoăn đối với trường hợp tuyển dụng người có tài năng quy định trong dự thảo Luật, và đề nghị cần làm rõ tiêu chí người có tài năng, thậm chí cần bổ sung về khái niệm, các tiêu chí cụ thể đối với người có tài năng trong dự thảo Luật để khi luật ban hành có thể được áp dụng một cách thống nhất. Từ đó, tránh được tình trạng luật quy định chung chung mỗi nơi hiểu một kiểu, dẫn đến việc xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm người thực sự có tài năng vào trong các cơ quan của nhà nước.

Phân tích về vấn đề này, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo Luật đồng nghĩa với việc có nhiều người đứng đầu được giao thẩm quyền quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng. Việc giao như dự thảo Luật dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị cùng ban hành quy định về chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng, dẫn đến việc áp dụng thiếu đồng bộ, thống nhất. Hơn nữa, quy định về chế độ sử dụng người có tài năng phải là quy định mang tính chất quy phạm pháp luật.

Do đó, đại biểu Võ Thị Như Hoa đề nghị cần thiết phải có khái niệm thế nào là người có tài năng. Đồng thời Chính phủ chỉ quy định tiêu chí để thu hút người có tài năng, còn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Việc giao nội dung này cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để áp dụng thống nhất tại địa phương sẽ bảo đảm việc thực hiện hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, cũng phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng).

Tạo cơ chế thu hút người tài nhưng phải bảo đảm công bằng

Về vấn đề này, theo đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), thực tế có một số địa phương làm tốt như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Song, việc các địa phương chủ động ban hành chính sách dẫn đến hiện tượng mất cân đối nguồn nhân lực giữa các địa phương, vùng miền do không có khung tiêu chí chung về vấn đề này. Hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và người tài năng tham gia hoạt động trong bộ máy nói riêng, dẫn đến sự mất cân đối. Vì vậy, đại biểu Hà Thị Minh Tâm đề nghị cần có khung tiêu chí để xác định người tài năng và những chính sách cơ bản quy định ngay trong luật vừa để phân bổ hợp lý nguồn nhân lực, vừa giữ chân người tài trong bộ máy và không gây lãng phí, thiếu nhân lực làm việc.

Góp ý kiến, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, đối với tiêu chí xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ, cần lưu ý không chỉ người có tài năng được phát hiện trong tuyển dụng vào cơ quan nhà nước mà chúng ta cần quan tâm đến đối tượng khi vào hoạt động công vụ có tài năng, cống hiến nên được áp dụng chính sách này. Do đó, với tiêu chí, tiêu chuẩn người tài năng, cần quan tâm những người không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần bảo đảm hài hòa về đức độ, tài năng mới có thể cống hiến và phục vụ tốt cho đất nước.

Bên cạnh đó, ngoài quy định có nguyên tắc chung cần có quy định mang tính chất linh hoạt để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ phù hợp với vùng miền, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có cơ chế thu hút người tài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng áp dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tránh lạm dụng chính sách, do đó cần nghiên cứu cơ chế quản lý công chức là người có tài năng phù hợp thực tiễn đối với nước ta. Đáng lưu ý là, hiện chúng ta chưa có quy định về cơ chế quản lý người tài năng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần quy định cụ thể những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài thực sự như sinh viên, chuyên gia trong nước, ngoài nước, có tiêu chuẩn cụ thể để phòng ngừa không phải là người tài mà vẫn được ưu ái, ưu đãi như người tài sẽ không công bằng với các đối tượng khác. Phương thức tuyển dụng công chức qua xét tuyển đối với cán bộ khoa học trẻ, người có tài năng phải cần hiểu rõ như thế nào là "khoa học trẻ và người có tài năng" để có sự phân biệt, phòng ngừa tuyển tràn lan, không thông qua thi tuyển sẽ không công bằng với các đối tượng khác.

Còn đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị cần phải ban hành một đạo luật về chính sách trọng dụng nhân tài, vì đây là chính sách lớn, không thể bó hẹp trong một điều của một đạo luật. Chính sách này phủ lên rất nhiều lĩnh vực với nhiều đối tượng, không thể thu hút riêng trong khu vực nhà nước được. Viên chức cũng có thể trọng dụng nhân tài được, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục... đều cần trọng dụng nhân tài, không riêng gì cán bộ, công chức.

Tất cả mọi công dân Việt Nam nếu như có tài năng đều được trọng dụng”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

NGUYÊN MINH, Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40493502-nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam-van-de-thu-hut-trong-dung-nguoi-tai.html