Nhiều đại biểu Quốc hội chưa đồng ý tách luật Giao thông đường bộ vì 'không hợp lý'

Việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm chưa tách luật vì 'không hợp lý' và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Hôm nay 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Một trong những vấn đề nhận được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đa số đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án luật nêu trên.

Khi hợp lý và hợp pháp xung đột, thì tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Nêu ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm chưa tách luật vì "không hợp lý" và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bà đề nghị Chính phủ giải trình tính hợp lý trong quá trình xây dựng 2 luật riêng này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Phân tích cụ thể về tính hợp lý, theo bà Thúy, thực tế, không có gì làm phiền người dân hơn tình cảnh hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý. Ví dụ, việc cắm mốc hạn chế tốc độ đang đẩy tài xế vào tình cảnh như vậy vì xe phải chạy chậm trên những con đường được nâng cấp để chạy cho nhanh.

"Khi cái hợp lý và hợp pháp xung đột với nhau thì tiềm ẩn nhiều hệ lụy", bà Thúy nhận định và cho rằng có 3 hệ lụy dễ nhận thấy.

Đầu tiên, là kỷ cương phép nước khó được tuân thủ vì cuộc sống bao giờ cũng hành động theo cái hợp lý, nếu pháp luật không cho phép thì người dân tìm cách "lách luật".

Hệ lụy thứ 2 là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nếu các quy định về kỹ thuật, trọng tải, tốc độ không hợp lý khiến lái xe khó chấp hành.

"Đây là cơ hội cho việc làm luật trên xa lộ, mà một phần là do tính hợp lý ít được xem xét trong quá trình làm luật", bà Thúy nêu rõ, nguyên nhân của tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong chính các quy định không hợp lý của luật.

Cũng từ tính không hợp lý, theo bà Thúy, dẫn đến hệ lụy liên quan đến đạo đức xã hội. "Một Nhà nước pháp quyền thì sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất. Phẩm chất đạo đức không thể hình thành nếu lách luật, trốn tránh sự tuân thủ pháp luật cho dù là cần thiết hay không", nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.

Bà Thúy lưu ý thêm, những vi phạm nặng nề khác về các quy chuẩn đạo đức cũng sẽ hình thành như đưa nhận hối lộ, nhũng nhiễu, "khúm núm trước mặt và coi thường sau lưng". "Để hợp pháp trước hết phải hợp lý", bà Thúy nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên)

Chồng chéo: Vừa quá tải, vừa "vô hiệu hóa" trách nhiệm

Cũng theo đại biểu Thúy, quy định hiện hành, ngành Giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý Nhà nước về các lĩnh vực từ đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, với 5 mục tiêu "không thể tách rời" là: An toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.

"Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 hay nhiều luật chỉ có thể thực hiện khi mà yêu cầu đó xuất phát từ đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Giao thông vận tải để thực hiện tốt hơn 1 hay 2 trong 5 mục tiêu trên", bà Thúy nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo nhận định của bà Thúy, việc tách luật chỉ với mục đích chuyển một phần công tác quản lý Nhà nước mà ngành Giao thông đang thực hiện "ổn định, thống nhất" sang cho ngành khác.

Từ đó, bà Thúy đề nghị, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nên sửa đổi theo hướng Bộ GTVT tải tiếp tục chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để tránh trùng lặp.

"Sự chồng chéo, trùng lặp vừa vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm, vừa làm cho các cơ quan đều quá tải", bà Thúy kết thúc phát biểu của mình.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bà dẫn chứng, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập. Hay chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

"Lực lượng thanh tra giao thông hiện đang gắn liền với giao thông đường bộ, như vậy lực lượng này có tiếp tục tồn tại hoạt động và thực hiện chức năng của mình nữa hay không? Nếu không thì trong báo cáo đánh giá tác động không thể hiện rằng lực lượng này làm gì", bà Dung nói.

Làm rõ các quyền ưu tiên đối với phương tiện đưa đón học sinh

Quan tâm đến giao thông dành cho các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) khẳng định, rất cần thiết phải có đường cho người khuyết tật như người khiếm thị, người tàn tật phải đi xe lăn.

Nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới đã rất quan tâm đến vấn đề này từ lâu rồi, vì thế đại biểu Trí cho rằng, nước ta đã đến lúc phải quan tâm tốt hơn đến vấn đề này, nhất là ở các thành phố lớn.

"Chúng ta có chủ trương đúng là, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng thì chúng ta cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất để họ đi lại", vị đại biểu đoàn Hà Nội nói và nêu trong dự án Luật này, "tôi chưa thấy đề cập rõ nét vấn đề này".

Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô tại Điều 83, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, ông đã có trao đổi với Bộ GD&ĐT và thấy rằng việc ưu tiên hoạt động đưa đón học sinh là "hết sức cần thiết, tạo điều kiện học sinh đến trường được thuận lợi, phụ huynh được tiết kiệm thời gian và cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị".

Theo đó đại biểu nhấn mạnh, để hoạt động đưa đón học sinh được thuận lợi, luật cần làm rõ các quyền ưu tiên đối với phương tiện đưa đón học sinh như: quyền ưu tiên lưu thông trên đường, ưu tiên nơi dừng đỗ quanh trường học và tại các điểm đưa đón học sinh thuộc lộ trình xe chạy, lắp đặt biển báo, tín hiệu cảnh báo các phương tiện tại những nơi học sinh lên xuống xe; cần có quy định sự khác nhau về điều kiện tổ chức đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục, với điều kiện kinh doanh của các cơ sở do các cơ sở giáo dục thuê đưa đón.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Thủy (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô của dự thảo luật "có một số điểm cần xem xét".

Đó là cần bãi bỏ các quy định liên quan đến yêu cầu xe ô tô đưa đón học sinh phải "đăng ký màu sơn riêng để nhận diện" cũng như yêu cầu phải "thông báo tới cơ quan cấp phép các nội dung như hành trình đưa đón các điểm dừng, đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng tại khoản 2 và khoản 5 Điều 83 của dự thảo luật".

Vì theo đại biểu, phương tiện này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau, không nhất thiết chỉ dùng cho mục đích duy nhất là đưa đón học sinh.

"Vì vậy, để tạo thuận lợi cho việc nhận diện, qua đó ưu tiên xe đưa đón học sinh, có thể thay thế quy định về màu sơn bằng quy định về việc "treo biển hiệu xe" đưa đón học sinh, tên trường trên thân xe khi xe đang vận chuyển học sinh mà thôi", bà Thủy nêu ý kiến.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-chua-dong-y-tach-luat-giao-thong-duong-bo-vi-khong-hop-ly-20201116150807063.htm