Nhiều cường quốc ùn ùn xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc

EU, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đang tăng mạnh xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Argentina, Brazil đều đang phê duyệt hàng loạt các nhà máy xuất khẩu thịt mới để đáp ứng nhu cầu thịt bò và thịt gà cũng như thịt lợn tại Trung Quốc.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019. Ảnh: Internet

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019. Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Từ đầu tháng 11/2019 đến nay, giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 12/2019 tại Chicago (Hoa Kỳ) biến động mạnh, sau khi tăng lên 67,1 UScent/lb (Pound-cân Anh) ngày 5/11/2019, giá có xu hướng giảm.

Ngày 19/11/2019, giá lợn nạc tại Chicago giao kỳ hạn tháng 12/2019 dao động ở mức 62,8 UScent/lb, giảm 4,9% so với cuối tháng 10/2019, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 tăng 4,4%.

Giá thịt lợn giảm do thị trường không chắc chắn về nhu cầu nhập khẩu thịt từ Trung Quốc. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng do Dịch tả lợn châu Phi. Nhưng cho đến nay, các giao dịch mua thịt lợn của Hoa Kỳ từ phía Trung Quốc đã giảm nhiều so với mong đợi của một số thương nhân.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), với diễn biến dịch bệnh đang lây lan nhanh sang các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, Lào, Mông Cổ và Campuchia, dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm 8,5% trong năm 2019, xuống còn 110,5 triệu tấn thịt lợn hơi.

Thương mại thịt và các sản phẩm thịt thế giới dự báo đạt 36 triệu tấn trong năm 2019, tăng 6,7% so với năm 2018, chủ yếu do nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vọt khi nguồn cung nội địa giảm do dịch tả lợn.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019, tăng 35% so với năm 2018, với diễn biến tăng nhập khẩu ở tất cả các phân khúc sản phẩm thịt lợn. Ngược lại, một số nước dự báo giảm nhập khẩu thịt lợn, bao gồm Hoa Kỳ và Angola.

Trung Quốc hiện đang tìm kiếm nguồn cung thịt thay thế cho hàng triệu con lợn bị chết do Dịch tả lợn châu Phi, làm giá thịt lợn, doanh thu lẫn lợi nhuận của các nhà đóng gói thịt châu Âu và Nam Mỹ đều tăng, đồng thời tái định hình các thị trường toàn cầu cho thịt lợn, thịt gà và thịt bò.

Đáng chú ý, EU, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đang tăng mạnh xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc mặc dù chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ trong tổng suy giảm nguồn cung thịt lợn tại nước này do dịch tả lợn.

Bên cạnh đó, Argentina, Brazil đều đang phê duyệt hàng loạt các nhà máy xuất khẩu thịt mới để đáp ứng nhu cầu thịt bò và thịt gà cũng như thịt lợn tại Trung Quốc.

Ngược lại, các nhà sản xuất thịt tại Hoa Kỳ đang gặp bất lợi do chính sách thuế nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo nhận định của FAO, Dịch tả lợn châu Phi sẽ làm giảm sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc ít nhất 20% trong năm 2020, mức giảm gấp đôi so với dự báo tổ chức này đưa ra 6 tháng trước.

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) dự báo rằng, Dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan khắp châu Á và tàn phá hoạt động chăn nuôi của khu vực này, không nước nào chống lại được sự lây lan của loại virus khiến hàng loạt lợn bị chết này.

Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương nêu rõ: Từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10/2019 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9/2019) và hiện đang ở mức khá cao.

Nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6/2019 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc.

Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch do Dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vắc xin chống dịch. Bên cạnh đó, hiện đang có hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm 20% so với cùng thời điểm năm 2018 do chịu ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 1,33 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,68 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 65,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Tây Ban Nha, Đức, Canada, Brazil và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-cuong-quoc-un-un-xuat-khau-thit-lon-sang-trung-quoc-115922.html