Nhiều cuộc ngừng việc tập thể là do bị kích động, lôi kéo

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh phía Nam có nhiều cuộc ngừng việc tập thể của công nhân (CN) không xuất phát từ quan hệ lao động mà do các đối tượng kích động, lôi kéo, gây ảnh hưởng đến đời sống, công việc của CN, người lao động (NLĐ). Cho nên, tổ chức công đoàn (CĐ) các tỉnh phối hợp để cùng giải quyết là điều cần thiết.

Nhiều cuộc ngừng việc tập thể của CN không xuất phát từ quan hệ lao động (Ảnh minh họa) - Ảnh: L.T

Đó là nhận xét của các đại biểu tham dự hội nghị ký kết quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến CNLĐ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, TPHCM diễn ra tại TPHCM vào chiều 21.12, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu, đại diện Ban Dân vận các tỉnh, thành cùng tham dự.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: L.T

Nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết

Bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh (TPHCM), ví dụ, năm 2018, khi có sự kiện CNLĐ ngừng việc phản đối Dự luật Đặc khu, LĐLĐ huyện Bình Chánh nắm được thông tin có 1 nhóm CN từ Long An sẽ kéo lên 1 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện có 500 lao động để kêu gọi CN ngừng việc. “LĐLĐ huyện nắm thông tin đã chủ động liên hệ, cùng với thông tin từ nhiều nguồn, LĐLĐ huyện đã kịp thời xử lý, không để CN tiếp cận với các đối tượng này và cuộc ngừng việc không xảy ra”, bà Vân cho biết. Theo bà Vân, khi các LĐLĐ tỉnh có quy chế phối hợp thì việc nắm bắt và xử lý thông tin sẽ dễ dàng hơn.

Bà Mai Thanh Thảo – Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương chia sẻ, sự kiện CN ngừng việc vào tháng 6.2018, CĐ nắm bắt thông tin là sẽ có một nhóm CN từ TPHCM kéo xuống, kêu gọi CN ngừng việc. Các chủ DN lúc đó đã có ý định cho CN nghỉ việc. Tuy nhiên, CĐ cấp trên đã chủ động làm việc với các CĐ cơ sở, làm việc với chủ DN, vẫn cho CN đi làm, tránh rơi vào "bẫy" của các đối tượng và có nhiều cách để trấn an CN.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ, việc ký kết quy chế phối hợp sẽ giúp các địa phương chủ động hơn khi có tình huống xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức CĐ nắm bắt tình hình, giải quyết các vụ việc, hạn chế các vụ tranh chấp lao động tập thể không xuất phát từ quan hệ lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương và đặc biệt để anh chị em CNLĐ không bị hoang mang.

5 đại diện LĐLĐ các tỉnh ký kết quy chế phối hợp - Ảnh: L.T

Quy chế phối hợp của 5 đơn vị là sáng kiến hay

Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, cho rằng, thời gian qua có nhiều vụ ngừng việc tập thể không xuất phát từ quan hệ lao động mà có yếu tố CN bị các đối tượng kích động. Những cuộc đình công như vậy dễ lây lan và ảnh hưởng lớn đến đời sống của CN, có người bị mất việc. Do đó, việc tổ chức CĐ mà cụ thể là 5 tỉnh giáp ranh Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An ký kết quy chế phối hợp, để kịp thời thông tin, phối hợp chặt chẽ giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không xuất phát từ quan hệ lao động là điều rất cần thiết.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN, lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng các đơn vị - Ảnh: L.T

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cách làm của 5 đơn vị là 1 sáng kiến hay. Ông Hiểu lưu ý, để chương trình phối hợp đi vào thực chất, các bên cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và khi xẩy ra sự cố cần dự liệu nguy cơ lây lan để thông tin cho các bên liên quan.

“Ví dụ như vụ CN Cty PouYuen ngừng việc vào tháng 6, các đơn vị phải phối hợp, chia sẻ thông tin với các địa bàn giáp ranh. Từ đó tham mưu với các cấp chính quyền để có cách giải quyết. Trong nhiều trường hợp ở các vùng giáp ranh, các địa phương cũng cần hỗ trợ nguồn lực để giải quyết các vấn đề phát sinh. Sau lễ ký kết, điều cần thiết là các đơn vị phải triển khai xuống tất cả các cấp CĐ, CĐ cơ sở để nắm và cùng triển khai”, ông Hiểu nói.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-cuoc-ngung-viec-tap-the-la-do-bi-kich-dong-loi-keo-648016.ldo