Nhiều cửa hàng ở Mỹ chịu cảnh ế ẩm do tình hình căng thẳng đợt bầu cử vừa qua

Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại Mỹ chịu cảnh ế ẩm trong tuần bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Theo Bloomberg, nhiều nhà hàng, cửa hiệu và các cơ sở kinh doanh tại nhiều thành phố ở Mỹ phải chịu cảnh ế ẩm và chấp nhận đóng cửa tạm thời trong tuần bầu cử Tổng thống vừa qua. Nỗi ám ảnh từ các cuộc bạo loạn chống phân biệt chủng tộc trước đó đã khiến không ít chủ nhà hàng, khách sạn tại Washington D.C chi bộn tiền để làm ốp ván gỗ ép trước mặt tiền cửa hiệu, lo ngại tình trạng sẽ tiếp diễn hậu cuộc bầu cử Tổng thống. Hiệu trưởng Đại học George Washington nhận định: "Mọi người chuẩn bị cho ngày bầu cử như thể đối phó với trận cuồng phong hay bão tuyết".

Không chỉ tại Washington, nhiều thành phố lớn khác tại Mỹ cũng chịu cảnh tương tự. Dù đây là một động thái tốn kém, giới kinh doanh vẫn bất đắc dĩ đầu tư làm ốp ván ép để bảo vệ cửa kính vì lo ngại các cuộc bạo loạn, biểu tình sau tuần bầu cử. Giá ván ép ngày một tăng cao, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chi phí thuê công nhân gia công quá đắt đỏ.

Giám đốc vận hành cửa hàng mặt tiền tại Downtown D.C. Business Improvement District (BID) cho hay, một cửa hàng nhỏ có thể chi tới 1.500 USD (34,6 triệu đồng) cho việc ốp ván, trong khi đó các cửa hiệu kinh doanh quy mô lớn sẽ mất tới 7.000 - 10.000 USD. (khoảng 230 triệu đồng). Chi phí ốp ván bảo vệ được tính dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như chi phí thuê nhân công hay tự làm, quy mô các cửa hàng,...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đành thông báo tạm đóng cửa hoặc ngừng hoạt động do lo ngại tình hình hậu bầu cử. Theo báo cáo mới đây từ BID, hoạt động kinh doanh ở Washinton chỉ ở mức 18% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức cải thiện đáng kể so với thời điểm dịch bệch bùng phát tại nước này, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế do một phần lực lượng lao động đã quay trở lại làm việc.

Dù vậy, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra tại Mỹ, cộng thêm những lo ngại về tranh chấp, biểu tình và bạo loạn hậu bầu cử đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc phát triển kinh tế BID Gerry Widdicombe, rất nhiều doanh nghiệp địa phương đang tỏ ra lo lắng về tình trạng lao động và tình hình kinh tế.

Tại Washington D.C, tỷ lệ mặt bằng cho thuê bị bỏ trống là 18%, mức cao kỷ lục so với trước đây. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số thành phố khác, chẳng hạn như ở New York, tỷ lệ lấp đầy khách sạn tại thành phố này ở mức dưới 10%. Nhiều thành phố khác cũng đang chịu cảnh tương tự khi ngành kinh doanh bán lẻ và du lịch "tụt dốc không phanh".

Những bất ổn về mặt chính trị cũng như lo ngại về đại dịch đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp tại các thành phố lớn lo lắng. Chẳng hạn, Cheesecake Factory vào năm 2019 đã ký hợp đồng thuê địa điểm ở số 15H phố NW, cách quảng trường Lafayette một dãy nhà, với dự định mở cửa vào đầu năm nay. Tuy nhiên, đây lại là nơi xảy ra cuộc đụng độ nảy lửa giữa cảnh sát và nhóm người biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào tháng 6/2020, cũng là nơi các cuộc biểu tình liên quan đến bầu cử diễn ra. Do đó, dù đã lên kế hoạch mở cửa vào đầu năm 2020, Cheesecake Factory vẫn phải "án binh bất động", chưa thể mở cửa như dự kiến.

Linh Chi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhieu-cua-hang-o-my-chiu-canh-e-am-hau-bau-cu-tong-thong-my-23111.html