Nhiều công trình xây dựng chưa thân thiện với người khuyết tật

Thực hiện một trong những nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đó là quyền mọi công dân không bị phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật.

Tại Việt Nam, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, các văn bản luật hiện hành đều có quy định cụ thể nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật NKT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…

Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, sức khỏe… để đối xử không bình đẳng với nhau. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, được pháp luật bảo vệ các quyền nhân thân và bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (Điều 4, 5, 14, 24, 632 Bộ luật Dân sự 2005…).

Tiếp cận giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập với cộng đồng.

Tiếp cận giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập với cộng đồng.

Mới đây, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học Thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật (NKT) trong tiếp cận và sử dụng công trình xây dựng. Những số liệu được đưa ra tại hội thảo rất đáng lưu ý.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện nay Việt Nam có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Để giúp họ sống tự lập, tham gia đầy đủ và bình đẳng trong xã hội, thì việc loại bỏ những trở ngại đối với họ trong các tòa nhà, công trình công cộng là một yêu cầu bắt buộc tuân thủ.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nước ta có truyền thống nhân văn, luôn quan tâm đến những người dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có NKT. Với nhiều nguyên nhân khác nhau như do di chứng của chiến tranh, tai nạn lao động, NKT đã phải chịu nhiều thiệt thòi.

Vì vậy, có thể coi tình trạng NKT là một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là vấn đề y tế. Để giúp NKT sống tự lập tham gia đầy đủ và bình đẳng vào mọi mặt của xã hội, thì việc loại bỏ các trở ngại và rào cản đối với NKT trong các tòa nhà cao tầng, các công trình giao thông, trường học, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan công sở… là yêu cầu bắt buộc.

Bởi, tiếp cận giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập với cộng đồng và là một trong những phương diện đánh giá thể hiện quyền bình đẳng của NKT trong xã hội.

Trên thực tế, dù các công trình tại Việt Nam nhiều năm nay đã được lưu ý đến vấn đề này. Tuy nhiên, một số công trình chưa đồng bộ giữa các hạng mục; một số công trình tuy bổ sung đường tiếp cận nhưng các hạng mục khác như cầu thang, nhà vệ sinh…chưa được cải tạo khiến NKT không thể sử dụng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cải tạo các công trình cũng chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa đảm bảo tiếp cận tới mọi đối tượng là NKT; vỉa hè tại các khu vực tập trung đông dân cư thường hay bị lấn chiếm, gây khó khăn đi lại cho NKT.

Theo luật pháp Việt Nam, từ năm 2002, Bộ Xây dựng đã ban hành một Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT, nhưng thực tế thực hiện chưa đúng như trong quy định. Bên cạnh đó, thực trạng về tiếp cận công trình công cộng đang là một trong những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Luật NKT.

Mặc dù Luật cũng như các văn bản liên quan đều nêu ra lộ trình cho việc tiếp cận những công trình này trong tương lai. Tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn diễn ra từ nhiều năm nay. Điều này có nhiều nguyên nhân như nhận thức của một số cơ quan chức năng và người dân còn chưa đầy đủ về quyền của NKT trong tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng.

Ý kiến của nhiều đại biểu nhấn mạnh rằng, khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng cũng là một nguyên nhân khiến NKT phải từ bỏ những mong muốn hòa nhập và vươn lên trong xã hội. Mong muốn chung của NKT là các chủ công trình, cơ quan quản lý công trình công cộng khi tiến hành xây dựng phải tuân thủ các nội dung của Bộ Xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho NKT.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường chính sách hỗ trợ tiếp cận, xã hội hóa và xây dựng; nâng cao nhận thức với chủ thầu xây dựng, kiến trúc sư đảm bảo việc đi lại và công trình. Với những công trình xây dựng cũ chưa có công trình hỗ trợ cho NKT, cần phải vận động chủ công trình nhận thức từ đó sửa chữa và bảo đảm cho NKT trong đi lại.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực để xây dựng và cải tạo các công trình giao thông đảm bảo tiếp cận NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-cong-trinh-xay-dung-chua-than-thien-voi-nguoi-khuyet-tat-120305.html