Nhiều công trình tại Tiền Giang thi công chậm

Năm 2017, Tiền Giang có kế hoạch huy động trên 2.527 tỷ đồng đầu tư cho 829 công trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỉnh mới hoàn thành 99 công trình với tổng giá trị khối lượng thực hiện trên 1.080 tỷ đồng.

Cụ thể: Tiểu dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng (Dự án Quảng trường trung tâm tỉnh), Dự án Khu tái định cư Đạo Thạnh (Tp Mỹ Tho), Dự án đường Lê Văn Phẩm giai đoạn 2 (Tp Mỹ Tho), Dự án Trường Đại học Tiền Giang (giai đoạn I), Dự án Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tp Mỹ Tho)…

Các công trình còn lại đang tiếp tục thi công, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư hoặc đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân các công trình chậm tiến độ do nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp; nhiều công trình, dự án chi phí đền bù giải tỏa lớn. Giá cát san lấp và xây dựng đang tăng đột biến trong khi nguồn cung hạn chế tạo cơn sốt cát khiến một số công trình tăng chi phí, không đảm bảo tiến độ thi công và ảnh hưởng đến dự toán xây dựng …

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, địa phương đang tích cực khắc phục khó khăn, đề ra những giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành khẩn trương tổ chức đấu thầu thi công các công trình trong kế hoạch, đặc biệt là các công trình khởi công mới; trong đó quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư, tạo điều kiện thực hiện nhanh dự án và giải ngân để sớm đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực công tác quản lý, tổ chức đấu thầu theo đúng quy định, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm vừa bảo đảm cạnh tranh với tính minh bạch, công bằng, hiệu quả đồng thời kiên quyết xử lý theo qui định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết, không có năng lực đảm bảo thi công công trình.

Tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Đối với những công trình, dự án không đảm bảo tiến độ phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ưu tiên giải ngân vốn kịp thời cho những dự án và công trình triển khai nhanh, có khối lượng thực hiện cao và khả năng hoàn thành sớm với chất lượng tốt, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Mặt khác, quan tâm triển khai nhanh và có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trọng điểm trên địa bàn: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các dự án quan trọng làm động lực phát triển nền kinh tế - xã hội và các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu,…

Ngoài ra, Tiền Giang tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai cũng như tăng cường huy động các nguồn vốn từ nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để hoàn thiện kiến thiết hạ tầng một cách đồng bộ thông qua các hình thức thích hợp như: đối tác công tư (PPP), xã hội hóa,…nhằm kịp thời đáp ứng nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực thành thị cũng như các vùng nông thôn.

Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-cong-trinh-tai-tien-giang-thi-cong-cham-20170720120832765.htm