Nhiều cơ sở y tế các tỉnh Nam Trung Bộ bị ngập, tốc mái do bão số 12

Bão số 12 đã khiến nhiều cơ sở y tế của các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại về cơ sở vật chất, nhiều trang thiết bị y tế bị ngập trong mưa lũ

Chiều ngày 6/11, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh tổng hợp tình hình thiệt hại cũng như các biện pháp triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra

Báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão này, trong các ngày từ 3/10-6/11, Bộ Y tế đã liên tiếp có 3 công điện gửi Sở Y tế các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão lũ, áp thấp nhiệt đới chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo công tác y tế trong điều kiện bão lũ.

Theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương đến 11h ngày 6/11/ 2017, cơn bão số 12 đã gây ra tình hình thiệt hại cho ngành y tế các địa phương như sau: Tỉnh Quảng Ngãi có 7 trạm y tế của 7 xã bị ngập gồm : Trạm Y tế xã Bình Dương, Bình Thạnh, Bình Minh, Bình Chương, huyện Bình Sơn; Trạm Y tế xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ đã gây ngập khu vực xung quanh bệnh viện, tại các cổng ngập sâu trên 0,5m, riêng tại cổng người nhà thăm nuôi bệnh ngập sâu gần 1m.

Tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn chưa có báo cáo cụ thể, tuy nhiên theo báo cáo nhanh sơ bộ có 8 trung tâm Y tế xã bị ảnh hưởng của bão gây thiệt hại ngập úng gồm trung tâm Y tế Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

10 bệnh viện bị ảnh hưởng gồm Bệnh viện Tâm thần, bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y học Cổ truyền, bệnh viện Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa, bệnh viện tỉnh, Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện 22-12, Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang

Thủy thủ trên tài bị chìm đang điều trị tại Bệnh viên Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa

Tỉnh Bình Định, bão số 12 khiến 8 cơ sở; 24 trạm y tế bị ngập nước; 40 cơ sở trạm y tế, nhà làm việc, khoa phòng bị tốc mái, rất nhiều trang thiết bị y tế bị ngập nước, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể

Tỉnh Phú Yên, đến trưa ngày 6/11 vẫn có 19 Trạm y tế xã bị cô lập; có 30 Trạm Y tế bị tốc mái, sập vách tường, tường rào, cổng và các hư hại khác tại cơ sở làm việc; Hệ thống xử lý chất thải của Trung tâm y tế Đông Hòa bị gãy ống khói và các hệ thống liên quan bị hư. Các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện tuyến tỉnh bị bể cửa gương, bay của sổ, tốc mái các công trình phụ.

Bộ Y tế cũng cho hay, để hỗ trợ ngành y tế các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 12, Bộ Y tế xuất cấp hàng dự trữ phòng chống thảm họa khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra gồm cloaramin B, bạt, cơ số thuốc phòng chống lụt bão…

Ngày 6/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Phạm Lê Tuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Quảng Nam để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và Đoàn công tác đã đến thăm và kiểm tra công tác khám chữa bệnh khắc phục hậu quả sau mưa bão tại huyện Thăng Bình, phòng khám đa khoa khu vực Đông Quế Sơn và TP Tam Kỳ.

Sở Y tế Quảng Nam cho biết, nhằm chủ động đối phó với hậu quả về vệ sinh môi trường, phát sinh dịch bệnh trên địa bàn sau mưa lũ, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ; tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm.

Các đơn vị y tế cung cấp Chloramine B cho nhân dân nhằm khử khuẩn nguồn nước; thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá cao công tác hỗ trợ, cứu hộ các nạn nhân trong mưa bão của ngành Y tế tỉnh

Quảng Nam. Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu; công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão cho nhân dân.

“Tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp diễn, do đó ngành Y tế Quảng Nam cần rà soát trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Y tế Quảng Nam lên các danh mục trang thiết bị y tế, cơ số thuốc cần thiết phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ kịp thời trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cần nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng đối phó với tình trạng mưa lũ trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường; hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác khử khuẩn nguồn nước, tiêu hủy xác động vật chết”- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhieu-co-so-y-te-cac-tinh-nam-trung-bo-bi-ngap-toc-mai-do-bao-so-12-n138145.html