Nhiều cơ hội lẫn áp lực cạnh tranh lớn cho Việt Nam với FTA thế hệ mới

Tại họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 cuối kỳ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Đồng chủ tịch VBF cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế trong nước để nắm bắt cơ hội của các FTA thế hệ mới.

Họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 cuối kỳ.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, năm 2019, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn. Cụ thể, đó là việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay từ 1/1/2019. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) cũng đã được đệ trình lên Hội đồng châu Âu và cũng sẽ được ký kết vào đầu năm tới.

“Những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội, cũng như áp lực cạnh tranh rất lớn cho DN Việt Nam. Theo kết quả khảo sát 1.200 CEO hàng đầu thế giới, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nền kinh tế có năng lực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 12 tháng tới”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Ông cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc đang ngày càng leo thang, một bộ phận DN, nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Để tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, 1/3 nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã và đang có ý định dịch chuyển hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi tỷ lệ này ở các nhà đầu tư đến từ các nước khác cao hơn, có thể lên tới 50%. Bối cảnh này đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam cả cơ hội và thách thức”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Về cơ hội, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tái cấu trúc lại chuỗi giá trị, đặc biệt là thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một trong ba phiên thảo luận chính của Diễn đàn DN Việt Nam cuối kỳ VBF 2018.

“Từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần từ 16-17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng từ ngân sách chỉ khoảng 50-60%. Theo đó, việc huy động các nguồn vốn khác vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là chìa khóa quan trọng”.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan... cho thấy, ngân sách nhà nước không phải là nguồn cung cấp vốn chính cho phát triển kết cấu hạ tầng. Các nước này đã chủ động kêu gọi sự tham gia của thành phần tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với Việt Nam, việc này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ.

Để nắm được những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế trong nước. Nếu những cải cách trong nước về thể chế không thiết thực, các hiệp định thương mại tự do sẽ trở thành những thách thức.

Tại buổi họp báo, các vị đồng chủ tịch Diễn đàn cũng cho biết, Diễn đàn VBF cuối kỳ 2018 sẽ diễn ra vào ngày mai, 4/12 với chủ đề: "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu".

Diễn đàn lần này sẽ có ba phiên thảo luận chính, gồm: Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng; Nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại; Khắc phục những trở ngại đối với DN.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-co-hoi-lan-ap-luc-canh-tranh-lon-cho-viet-nam-voi-fta-the-he-moi.aspx