Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Ngành bán lẻ của Việt Nam đang cạnh tranh hết sức khốc liệt và đang đứng vào top 5 thị trường bán lẻ cạnh tranh nhất hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ Việt Nam đang chiếm ưu thế hơn so với các nhà bán lẻ ngoại.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ưu thế này có còn trụ vững hay không là vấn đề lo ngại, bởi trong xu thế hội nhập, các nhà bán lẻ trong nước phải phát triển mạnh mẽ để theo kịp với xu hướng thế giới, nếu không thì sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”...

Nói về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết: Bối cảnh kinh tế Việt Nam đến nay đã hơn 10 năm tham gia WTO, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với đó là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, cuộc Cách mạng 4.0, đã đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.

Theo khảo sát của Nielsen, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào sản phẩm khác ngoài FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh), đó là hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, dược phẩm, du lịch, bất động sản… cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống của NTD Việt. Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống.

Không thể cạnh tranh về năng lực tài chính, nhà bán lẻ nội phát huy thế mạnh là dùng chất lượng sản phẩm để cạnh tranh.

Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại với 26% thị phần, tốc độ tăng trưởng 11,8%, trong khi bán lẻ truyền thống chiếm đến 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. “Như vậy rất nhiều cơ hội ở kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt là mô hình cửa hàng nhỏ như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên biệt...”, bà Trang nhận định.

Đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và năng động bật nhất hiện nay, rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ sớm. Như BigC có mặt tại Việt Nam với 35 siêu thị, Aeon 4 siêu thị, MM Mega Market 19 siêu thị, Lotte Mart 13 siêu thị,... mô hình chủ yếu của các nhà bán lẻ ngoại chủ yếu là đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpaner Việt Nam cho biết, khối ngoại tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Tuy nhiên, họ tập trung phát triển hệ thống chủ yếu ở khu vực thành thị. Do đó, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao so với nhà bán lẻ ngoại.

“Ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, DN nội chiếm ưu thế, nhưng với mô hình đại siêu thị, các nhà bán lẻ ngoại chiếm đến 92% và mô hình cửa hàng tiện lợi thì họ chiếm đến 80%. Vì thế, DN nội cần phải cạnh tranh hơn nữa với DN ngoại về phân khúc thị phần này”, ông Hoàng lưu ý.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng, đáng ngại nhất là các nhà bán lẻ ngoại đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, bởi họ phần nào hiểu được thị trường cũng như thị hiếu mua sắm của NTD Việt, từ đó họ sẽ mang những sản phẩm mới của quốc gia họ để bổ sung những khiếm khuyết mà thị trường bán lẻ Việt Nam còn trống. Vì vậy, DN bán lẻ nội không nên chủ quan, cần tìm hiểu kỹ thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu mua sắm của NTD trong nước để đáp ứng và thay đổi kịp thời.

Dưới góc độ là nhà bán lẻ nội hàng đầu tại Việt Nam, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Coop (SGC) chia sẻ, hiện nay, thách thức của thị trường bán lẻ Việt Nam là sự thiếu liên kết của các nhà bán lẻ nội. Thị trường bán lẻ Việt Nam là cạnh tranh nhất thế giới.

Các tập đoàn nước ngoài có sự liên kết rất tốt. Khi họ vào Việt Nam thì phía sau họ là cả một mạng lưới nhà cung cấp, dịch vụ ngân hàng, tài chính, luật hỗ trợ họ và đặc biệt, nhà cung cấp nước ngoài có tầm nhìn dài hạn, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận, hỗ trợ nhà bán lẻ từng bước giành lấy thị phần ở Việt Nam và khi đó, chính sách giá của họ sẽ thay đổi.

Còn ở Việt Nam, phần lớn nhà sản xuất nhỏ lẻ, không có cái nhìn dài hạn bằng các nhà cung cấp nước ngoài. Vì vậy, việc chia sẻ lợi nhuận từ các nhà cung cấp trong nước không cao, tỉ lệ nhà cung cấp chịu đồng hành, hậu thuẫn cho nhà bán lẻ Việt Nam không lớn so với tỉ lệ này ở nhà cung cấp nước ngoài, do đó nhà bán lẻ Việt gần như đơn độc, tự đi một mình.

“Quyết tâm của nhà bán lẻ, nhà cung cấp ngoại là quyết tâm giành lấy thị phần tại Việt Nam, còn nhà cung cấp Việt Nam cũng có quyết tâm nhưng chủ yếu xác định “sống qua ngày” nên quyết tâm không cao. Quyết tâm khác nhau dẫn đến tiêu chí sản xuất, hướng liên kết để đẩy mạnh ngành bán lẻ trong nước cũng khác nhau”, ông Dũng cho biết.

Chính vì vậy, mặc dù là nhà bán lẻ số 1 của Việt Nam nhưng SGC so với thế giới thì nhỏ, chỉ nằm trong top 200 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực tài chính, đó là trở ngại lớn nhất đối với các nhà bán lẻ nội. Trong khi đó, các đại siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) lớn, để lôi kéo được khách hàng tới thì chi phí đầu tư rất lớn.

Như Aeon (Nhật Bản), đầu tư một TTTM tốn 200 triệu USD. “Vì thế, để cạnh tranh, SGC là tận dụng thế mạnh là chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn ATVSTP. Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu SGC lấy đó để bổ quyết cho những cái bất lợi về nguồn vốn, tính liên kết, cạnh tranh gay gắt giữa nhà bán lẻ nội, ngoại”, đại diện SGC thông tin.

Theo nhận định của các chuyên gia, “cuộc chơi” chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ có những “tay chơi” mới xuất hiện. Cũng cần lưu ý, khách hàng có thể chuyển hẳn qua kênh online và bỏ kênh offline dù kênh này mang lại những trải nghiệm thực tế thú vị.

Hiện nay các nhà bán lẻ quốc tế cũng có xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, robot trong chuỗi cung ứng, nhưng thực tế chi phí cho khoản này rất cao. Điển hình là Amazon dành 16 tỉ USD và Alibaba dành hơn 5 tỉ USD cho AI.

Vậy, hướng đi nào cho các nhà bán lẻ trong nước trong cuộc cạnh tranh này? Theo bà Lê Thị Thùy Trang, qua nghiên cứu Nielsen đã tổng kết các xu hướng chính của thị trường và đối tượng mục tiêu khách hàng lớn của nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai: Đó là nhu cầu về sự tiện lợi (là xu hướng chung của toàn cầu); NTD Việt có nhu cầu ngày càng nhiều hơn đối với dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm liên quan đến sức khỏe như sản phẩm hữu cơ.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang đứng đầu về kết nối Internet, trung bình họ dùng 25 giờ/tuần để kết nối Internet. Hiện có 36 triệu người Việt có kết nối và 7 năm tới tăng đến 40 triệu người, đóng góp gần 50% tổng chi tiêu của NTD Việt Nam.

Vì vậy, nhà sản xuất và nhà bán lẻ ngay lập tức có những phương án tương tác để ảnh hưởng đến đối tượng NTD kết nối. “NTD hiện không còn mua sắm đơn tuyến mà là mua sắm đa kênh, đi kèm với nhu cầu đó là xu hướng thanh toán không tiền mặt. Vì vậy, các nhà bán lẻ cần chuẩn bị cho phương án đó”, bà Trang nói.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/nhieu-co-hoi-lam-thach-thuc-521907/