Nhiều cơ hội đang chờ đợi thí sinh ở đợt xét tuyển bổ sung

Ngày 12-8 là thời hạn cuối cùng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 làm thủ tục xác nhận nhập học.

Kết thúc xét tuyển đợt 1 cho thấy, nhiều trường đại học (ĐH) công lập vẫn còn dư hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh, tiếp tục đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 13-8 đến hết ngày 20-8.

Theo thống kê sơ bộ của các trường ĐH trong nhóm xét tuyển miền Bắc do ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì, phần lớn các trường top đầu như Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân... đều có thí sinh nhập học trên 90%, cá biệt có trường lên tới 96%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sẽ có nhiều trường hoàn tất việc tuyển sinh ngay từ đợt 1, không phải xét tuyển bổ sung. Bên cạnh đó, một số trường top giữa trong nhóm như ĐH Giao thông, ĐH Thủy Lợi, năm nay tỷ lệ thí sinh nhập học cũng tăng hơn năm 2017, trong đó tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhiều ngành xác nhận nhập học đạt từ 80-90%. Do vậy, số lượng chỉ tiêu cần xét tuyển bổ sung của các trường này chắc chắn sẽ giảm nhiều hơn so với năm 2017.

Ngoại trừ khối ngành Báo chí, truyền thông, năm nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu đại học chính quy vào các chuyên ngành lý luận, chính trị như Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học...

Mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 (bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực). Riêng ngành Lịch sử có điểm thi môn Lịch sử nhân hệ số 2 quy về thang điểm 30.

ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng xét tuyển bổ sung 36 ngành, mỗi ngành 30 chỉ tiêu, bằng cả 2 phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia và xét kết quả học tập bậc THPT.

ĐH Tài chính-Kế toáncũng xét tuyển bổ sung 280 chỉ tiêu vào 6 ngành bằng hai hình thức là kết quả thi THPTQG và học bạ. Trong đó, với hình thức xét học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên và hạnh kiểm loại khá trở lên.

ĐH Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội cũng xét tuyển bổ sung khoảng hơn 300 chỉ tiêu diện sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, đào tạo tại cơ sở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đối với một số ngành đào tạo.

Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển từ 14,5 đến 15,5 điểm tùy từng ngành đào tạo. Ngoài ra, trường còn xét học bạ mỗi ngành 5 chỉ tiêu ở cả 2 cơ sở với các tổ hợp tương tự xét từ kết quả thi THPT quốc gia.

Thí sinh cần cân nhắc kỹ để tăng cơ hội trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung

ĐH Vinh cũng dự kiến sẽ xét tuyển bổ sung theo học bạ hoặc tương đương 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 cho tất cả các ngành, trừ các ngành đào tạo sư phạm.

Điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT và có tổng điểm tổng kết năm lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 18 điểm.

ĐH Hồng Đức vừa thông báo xét tuyển bổ sung 24 chỉ tiêu các ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó, 4 ngành sư phạm Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Lịch sử đều có điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 24 điểm trở lên và không có môn thi nào điểm dưới 5, học lực loại giỏi đối với ngành đào tạo chính. Ngoài ra, ĐH Hồng Đức còn xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu của các ngành đào tạo truyền thống khác.

Tại khu vực phía Nam,ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.Hồ Chí Minh cũng dự kiến xét tuyển nguyện vọng bổ sung với ngành Cử nhân Dinh dưỡng. Đây là ngành vừa được Bộ GD&ĐT cho phép mở nên nhà trường chưa kịp xét tuyển trong đợt 1.

Dự kiến, ngành này xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu bằng tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh). ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng thông báo tuyển bổ sung 4 ngành ĐH chính quy là Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Bảo đảm Chất lượng và An toàn Thực phẩm, Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường với tổng cộng 200 chỉ tiêu.

Ngoài ra, trường còn tuyển bổ sung 160 chỉ tiêu cho 4 ngành học chương trình chất lượng cao. ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minhxét tuyển 5 ngành gồm Kỹ thuật điện, Công nghệ Thực phẩm, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Cơ điện tử.

Mỗi ngành xét 40 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ từ 17-20, tùy ngành. ĐH Khoa học Tự nhiên xét bổ sung 2 ngành (mỗi ngành 50 chỉ tiêu) gồm: Khoa học Môi trường (15,05 điểm) và Sinh học (15,45 điểm). ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cũng xét 35 chỉ tiêu cho mỗi ngành Báo chí, Du lịch, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học với điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 16-22,9 điểm... ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế cũng dự kiến sẽ xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển học bạ vào các đơn vị thành viên.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi tuyển sinh đợt 1, căn cứ chỉ tiêu ngành nghề, nếu còn thiếu, các trường sẽ công bố xét tuyển đợt 2.

Lưu ý đối với thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung, ông Tuấn cho rằng: “Thông thường các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đợt1, chỉ một số ngành mới hoặc khó tuyển xét bổ sung đợt 2. Với số lượng chỉ tiêu ít, khả năng đỗ khó nên các em cần cần suy nghĩ kỹ trước quyết định thay đổi nguyện vọng”.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nhieu-co-hoi-dang-cho-doi-thi-sinh-o-dot-xet-tuyen-bo-sung-505853/