Nhiều cơ hội cho thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện có 165 cơ sở giáo dục đại học chiếm 53,57% đã tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các trường này sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung và đây là cơ hội cho tất cả các thí sinh chưa trúng tuyển trong xét tuyển đợt 1.

Trường ĐH Luật Hà Nội vừa thông báo tuyển sinh bổ sung 100 chỉ tiêu hệ đại học chính quy ngành Luật tại Phân hiệu Đắk Lắk. Thí sinh chưa xác nhận nhập học tại trường khác, có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp thuộc tổ hợp xét tuyển A00, A01 đạt từ 15,5 điểm; tổ hợp C00 từ 16,75 điểm; tổ hợp D01, D02, D03 từ 16,5 điểm có thể nộp đơn đăng ký dự tuyển. Thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10 đến hết ngày 17/10.

Thời gian công bố kết quả dự kiến vào ngày 22/10. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng thông báo xét tuyển bổ sung 12 ngành, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 16-20 điểm. Trường ĐH Lao động - Xã hội tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo của trường. Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển bổ sung các ngành Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục với chỉ tiêu mỗi ngành là 20.

Bộ GD&ĐT quy định, điểm trúng tuyển ở các đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt 1.

Bộ GD&ĐT quy định, điểm trúng tuyển ở các đợt xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt 1.

Tất cả các thí sinh có tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp THPT cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng đạt từ 17 điểm trở lên đều đủ điều kiện xét tuyển. Học viện Quản lý giáo dục cũng nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với 6 ngành học, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 15 điểm. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đến hết ngày 20-10. ĐH Điện lực cũng xét tuyển bổ sung 8 ngành học, mỗi ngành 30 chỉ tiêu bằng hai phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ…

Để đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ GD&ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc này, Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp xử lý nghiêm nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng tuyển sinh.

Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường phải công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể căn cứ vào các thông tin do trường công bố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên có tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.

Ngoài ra, các em thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Đối với các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tuyển sinh, theo tinh thần tự chủ đại học, các trường chịu trách nhiệm giải trình với xã hội và các bên liên quan.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nhieu-co-hoi-cho-thi-sinh-trong-dot-xet-tuyen-bo-sung-615150/