Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

Để thực hiện mục tiêu 'đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong vùng DTTS và miền núi từ 8 - 10%', Dự thảo Đề án 'Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025' đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo.

Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách

Tính đến hết năm 2018, có 1.052 xã vùng DTTS miền núi đạt nông thôn mới (chiếm 22,29%). Tuy vậy, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa với mặt bằng chung của cả nước. Rõ nhất là, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực này đang chiếm 52,66% hộ nghèo cả nước. Quy mô nền kinh tế của các tỉnh vùng DTTS và miền núi còn rất khiêm tốn; số thu ngân sách nhỏ và tỷ lệ cân đối ngân sách rất thấp; 90% các tỉnh trong vùng cần nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Tiếp tục phát triển hệ thống chợ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho đồng bào

Tiếp tục phát triển hệ thống chợ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho đồng bào

Nhằm giải quyết những tồn tại trên, Đề án “Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025” đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mang tính đặc thù nhằm phát triển kinh tế khu vực này. Cụ thể như các chính sách đặc thù về trồng rừng, bảo vệ rừng; tiêu thụ sản phẩm; tín dụng hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Trong đó, tập trung vào hình thành các vùng chuyên canh tập trung với quy mô lớn, chú trọng sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị. Rà soát lại cơ cấu đất đai, sản xuất của các nông lâm trường để vừa phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng, vừa giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Khai thác thế mạnh tài nguyên thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các đầu mối chợ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển các kênh phân phối và thương mại điện tử…

Hỗ trợ đồng bào khởi nghiệp

Đặc biệt, lần đầu tiên Đề án đưa ra được các cơ chế, chính sách đặc thù về khởi nghiệp kinh doanh. Theo đó, Ủy ban Dân tộc sẽ xây dựng chính sách kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2020), với nội dung bao gồm: Chính sách tư vấn, chính sách vốn đầu tư, chính sách thông tin truyền thông hỗ trợ các dự án khởi nghiệp kinh doanh tại vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện: Bồi dưỡng kiến thức, định hướng để khởi nghiệp kinh doanh cho khoảng 5.000 thanh niên DTTS, hướng vào các thanh niên đã có trình độ đại học, cao đẳng, có khát vọng khởi sự kinh doanh. Hỗ trợ khoảng 1.500 doanh nghiệp “start up” vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đây không chỉ là một nội dung mới trong chính sách dành cho vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; mà hơn thế, đây còn được kỳ vọng là cơ sở để phong trào khởi nghiệp được lan rộng, tạo nên những hiệu ứng tích cực để thanh niên vùng DTTS và miền núi mạnh dạn khởi nghiệp, gắn sản xuất, chế biến, kết nối với thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị cho hàng hóa sản xuất tại các địa phương vùng DTTS và miền núi…

Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, lũy kế đến nay còn 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách còn hiệu lực… Trên cơ sở này, tại dự thảo Đề án đang được lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện, ngoài chính sách khởi nghiệp được đề xuất mới, còn lại các chính sách khác đều dựa trên việc rà soát, bổ sung, phát triển các chính sách văn bản đã ban hành, còn có hiệu lực.

Nước ta có 53 DTTS, cư trú thành cộng đồng tại 51 tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung – chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-co-che-chinh-sach-dac-thu-120001.html