Nhiều chuyên gia góp ý sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững

Mới đây, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức Diễn đàn Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới chính sách đất đai hiện nay như: Chính sách liên quan đến tập trung và tích tụ đất nông nghiệp; những bất cập trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; những vấn đề cần sửa đổi để hài hòa giữa Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp…

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

TS.Phạm Xuân Phương- Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, điều quan trọng nhất trong việc thu hồi đất là phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Điều 84 Luật Đất Đai cho thấy, trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, UBND cấp tỉnh và huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi (đoạn 2 khoản 3 Điều 84).

Nhưng trên thực tế, một số địa phương chưa triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến, tiền tệ hóa hoạt động hỗ trợ, dẫn đến khả năng chuyển đổi nghề thấp, chưa bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Đại biểu tham luận về việc sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững.

Theo TS. Phạm Xuân Phương, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Trình bày về nghiên cứu chính sách liên quan đến tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, TS. Nguyễn Anh Phong (đại diện Tổ chức AgroInfo) đưa ra thông tin, năm 2016 cả nước có tổng số 9,29 triệu đơn vị sản xuất nông nghiệp thì số hộ chiếm 99,89%; số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%. Trong đó, hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha chiếm 36,1% tổng số hộ; hộ sử dụng từ 5,0 ha đất trở lên chỉ chiếm 2,3%; số doanh nghiệp nông nghiệp có số lao động dưới 10 người chiếm 49%; trang trại chiếm tỷ lệ 0,3% trong tổng số hộ nông nghiệp của Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Anh Phong, việc tập trung đất đai hiện nay diễn ra dưới các hình thức: Doanh nghiệp thuê đất của nông dân; chính quyền thuê đất của nông dân để cho doanh nghiệp thuê lại; nông dân và doanh nghiệp thuê lại đất của Nhà nước. Về tích tụ ruộng đất có hai hình thức là chuyển nhượng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất diễn ra dưới các hình thức: Hợp tác xã, dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn sản xuất theo hợp đồng.

Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất quan điểm chung là đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, ngoài việc phục vụ mục tiêu kinh tế, còn là phương tiện đảm bảo an xinh xã hội, văn hóa… Mọi quy định, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhóm nông dân nhỏ. Các vướng mắc về đất đai là “nút thắt” cuối cùng cần phải giải quyết, sau khi đã có đầy đủ các điều kiện về an sinh xã hội, việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản.

Được biết, sau diễn đàn này, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị gửi tới Ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.

Anh Hùng

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nhieu-chuyen-gia-gop-y-sua-doi-chinh-sach-dat-dai-de-phat-trien-ben-vung-post326352.info