Nhiều chuyện 'động trời' ở Tân Hội

Tân Hội là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Tân Hiệp và tỉnh Kiên Giang. Song dư luận cũng bức xúc với cách làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên cơ sở. Nhiều chuyện 'động trời' tưởng chừng không thể xảy ra nhưng đang hiện hữu ở Tân Hội.

Xã nông thôn mới Tân Hội.

Xã nông thôn mới Tân Hội.

NDĐT - Tân Hội là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Tân Hiệp và tỉnh Kiên Giang. Song dư luận cũng bức xúc với cách làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên cơ sở. Nhiều chuyện “động trời” tưởng chừng không thể xảy ra nhưng đang hiện hữu ở Tân Hội.

Chúng tôi về xã Tân Hội tìm hiểu về mô hình cấy lúa bằng máy của nông dân ấp Phú Hòa, nhưng lại vô tình nắm được nhiều chuyện tiêu cực của một số cán bộ, công chức xã. Cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra, biết chuyện cán bộ, nhân dân bức xúc. Ông Nguyễn Thanh Hà, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phú Hòa - một cán bộ đầu ngành của tỉnh Kiên Giang đã nghỉ hưu, buồn bã nói: “Chú cứ tưởng ở xã chẳng có gì, nhưng không ngờ chúng nó ăn dữ thiệt (!) Nào là ký khống chứng từ quyết toán, chia chác nhau lô nền trong các cụm tuyến dân cư, đến việc tham mưu sai cho lãnh đạo để hưởng lợi, trù dập người tố cáo…”.

Chia đất công cho cán bộ xã

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Sơn, người có hơn 20 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội trình bày: Năm 2002, dự án cụm tuyến dân cư vượt lũ ấp Tân Vụ (nay là Đập Đá) được triển khai xây dựng với tổng số 110 nền nhà và một số lô chừa lại xây dựng các công trình công cộng như: trụ sở ấp, ban quản lý chợ, y tế ấp, mở rộng trạm cấp nước sạch... Trong số 110 nền nhà phần lớn là bán cho diện gia đình chính sách, một phần thuộc diện sinh lợi. Đến năm 2012, hai nền quy hoạch xây dựng công trình công cộng được xã bán lại cho ông Đinh Quốc Chí, cán bộ văn hóa - xã hội xã và ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Chủ tịch HĐND xã.

“Ông Chí và ông Oanh chỉ nộp cho xã 95 triệu đồng. Sau đó ông Oanh bán lại 325 triệu đồng, còn ông Chí cất nhà ở. Sau khi bán đất, ông Oanh cất lại nhà lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. Bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hánh chính, phạt hành chính nhưng căn nhà vẫn tồn tại đến nay. Sai phạm rõ ràng, nhưng năm đó ông Oanh vẫn được xét đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, lời của ông Sơn.

Việc lãnh đạo xã Tân Hội “quyết” lấy đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng để bán lại cho cán bộ, đảng viên dưới quyền trong trường hợp đất đã được điều chỉnh quy hoạch hay chưa cần phải được thanh tra, kiểm tra làm rõ. Nhưng việc bán đất công cho cán bộ, đảng viên với giá rẻ “bất ngờ” so với quy định thì chắc chắn những người liên quan đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng!

Nhà của ông Nguyễn Xuân Đằng chính là điểm cuối của con đường trong khu dân cư.

Liên quan đến đất đai, tại cụm tuyến dân cư vượt lũ này còn tồn tại nhiều chuyện “động trời” khác. Đó là năm 2014, lãnh đạo xã Tân Hội “gật đầu” đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Đằng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã mượn 149 m2 đất ngay trên mặt đường cuối của tuyến đường nội bộ trong cụm tuyến dân cư. Và sau đó, lãnh đạo xã Tân Hội đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo huyện bán ưu tiên lô đất “đường giao thông” này cho ông Đằng cất nhà ở.

Phân lô bán trường mẫu giáo

Lãnh đạo xã Tân Hội còn tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp bán 500,9 m2 đất của trường mẫu giáo trong cụm tuyến dân cư vượt lũ ấp Đập Đá. Được biết, ngôi trường này được xây dựng năm 2005, bằng nguồn vốn xổ số kiến thiết và bắt đầu ngừng dạy trong năm học 2018-2019. Trong khi Trường mẫu giáo Tân Hội nằm cách đó không xa đã quá tải số lượng học sinh. UBND xã Tân Hội đang đề nghị huyện Tân Hiệp quy hoạch xây dựng mở rộng.

Ngôi trường mẫu giáo sắp bị xẻ thịt.

Hôm chúng tôi có mặt tại điểm trường, có hộ của bà Mười mượn trường để ở nhờ trong lúc sửa chữa nhà. Đồ đạc của bà Mười kê, để tứ tung. “Trường đã cũ nhưng vẫn còn chắc chắn, chỉ cần quét sơn lại là mới”, bà Mười nhận xét. Còn cô Hường, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo xã Tân Hội thì tán thành cao việc bán đất trường cũ để xây dựng trường mới theo ý của lãnh đạo xã Tân Hội. Được biết, trước đó, UBND huyện Tân Hiệp có tờ trình gửi Sở Tài chính Kiên Giang xin bán 500,9 m2 đất của Trường mẫu giáo Tân Hội. Tuy nhiên Sở Tài chính chưa chấp thuận với lý do “Đất quy hoạch giáo dục nên không đủ cơ sở để bán".

Mặc dù chủ trương bán đất trường học chưa được phê duyệt, nhưng ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Tân Hội đã làm tờ trình xin chủ trương UBND huyện Tân Hiệp cho bán chỉ định năm lô đất dự định “xẻ thịt” trường mẫu giáo. Năm người mà xã Tân Hội chọn để bán đất công là: Trần Văn Thức, Trần Thị Thùy Trang, Doãn Văn Thọ, Trần Xuân Tiên, Nguyễn Quốc Vinh. Giá các lô đất cũng đã định sẵn, thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

Chuyện bán đất công không chỉ có vậy. Ông Trần Văn Sơn cho biết: Năm 2016, xã Tân Hội có tổ chức đấu giá khu đất công với diện tích 2.000 m2 (25 m x 80 m), phân ra thành 16 nền nhà. Kết quả là ông Nguyễn Văn Thum (Kim Hai) - một “đại gia” trong xã, trúng với giá 3,6 tỷ đồng. Trong khu đất xã Tân Hội bán cho ông Thum có cả 250 m2 quy hoạch mở rộng trạm cấp nước sạch và cả hành lang dành cho người đi bộ (3 m x 80 m). “Buổi đấu giá có vấn đề, giá trúng cũng rất hời so với giá thị trường. Bình quân chỉ có 225 triệu/nền, trong khi sau đó ông Thum bán lại với giá từ 600 đến 800 triệu đồng/nền”, ông Trần Văn Sơn bức xúc.

Ép trưởng ấp ký khống chứng từ

Ở Tân Hội đã từng xảy ra một việc mà chúng tôi luôn nghĩ nó sẽ không tồn tại trong xã hội này. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội “ép” chín trưởng ấp ký khống chứng từ để lãnh đạo xã lấy tiền trả nợ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Thành Ngộ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp Phú Hòa (nhiệm kỳ trước ông Ngộ là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phú Hòa) tỏ rõ sự lo lắng. Ông Ngộ kể: “Vào dịp gần Tết Nguyên đán 2017, ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã mời tôi lên xã. Cùng tôi, có tám trưởng ấp ở các ấp khác cũng được lãnh đạo xã mời. Chúng tôi từng người được ông Hòa mời vào phòng làm việc. Khi vào, ông Hòa và tài chính xã đưa tôi một đống chứng từ bảo ký. Ông Hòa nói ký khống nhận tiền hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, để xã lấy tiền trả nợ cho lãnh đạo xã nhiệm kỳ trước”.

Ông Ngộ cho biết, sau khi ký hơn 10 chữ ký ông được nhận một triệu đồng. “Sau khi ký xong, tôi và các trưởng ấp khác rất thắc mắc nhưng lúc đó không dám nói, bởi ông Hòa là lãnh đạo. Nhưng nay tôi rất lo sợ mình vi phạm pháp luật nên phải nói ra”, ông Ngộ lo lắng. Nói chuyện qua điện thoại, ông Hồ Thành Công, nguyên Trưởng ấp Tân Hồng cũng xác nhận với chúng tôi, ông và các trưởng ấp khác được Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trần Minh Hòa mời vào phòng làm việc ký hơn chục chữ ký, nhưng không biết là những loại giấy tờ gì. “Nghe nói là để xã quyết toán, mình cũng không biết số tiền là bao nhiêu”, ông Công nói.

Theo điều tra của phóng viên Nhân Dân, thì số chứng từ mà các trưởng ấp ký là để quyết toán khống cho lãnh đạo xã nhiệm kỳ hiện tại “rút ruột” ngân sách trả nợ cho lãnh đạo xã nhiệm kỳ trước (2010-2015). Theo ông Trần Văn Sơn, nhiệm kỳ trước: Bí thư Đảng ủy xã là ông Trần Minh Hùng; Chủ tịch UBND xã là ông Bùi Quốc Duy. Người cho chủ trương, người thực hiện làm tờ trình xin chủ trương UBND huyện bán bốn nền nhà trong cụm tuyến đâu cư với giá 400 triệu đồng. Trong đó, xã bán hai nền cho ông Trần Văn Thức với giá 252 triệu đồng.

Ông Thức nộp trước cho xã 150 triệu đồng, nhưng số tiền này không được xã nộp về Kho bạc mà để lại chi tiêu. Năm 2015, ông Thức dọn nền để cất nhà thì bị người khác ngăn cản. Vỡ lở, do tiền không nộp vào ngân sách nên Phòng Tài chính huyện Tân Hiệp đã bán hai nền của ông Thức đặt mua cho người khác. Để gạt ông Hòa ra khỏi “nhóm”, ông Trần Minh Hòa mượn của ông Nguyễn Văn Thum 150 triệu đồng trả lại cho ông Thức. Và để có tiền trả lại cho ông Thum, ông Trần Minh Hòa mới “ép” các trưởng ấp ký chứng từ để quyết toán khống lấy tiền từ ngân sách nhà nước.

Mặc dù ông Thức đã nhận lại tiền, nhưng không mua được đất nên ông Thức dọa tố cáo lãnh đạo xã. Và để có đất bán cho ông Thức, ông Trần Minh Hòa đã nhắm đến 500,9 m2 đất mà trường mẫu giáo đang tọa lạc. Điều này thể hiện rõ qua Tờ trình số 07, ngày 16-1-2017 của UBND xã Tân Hội xin chủ trương bán chỉ định các nền phân lô điểm trường mẫu giáo. Trong số năm hộ UBND xã chỉ định bán có tên ông Trần Văn Thức và vợ ông Thức là Trần Thị Thùy Trang.

Tại sao những cái “ung”, cái “nhọt” đã ngang nhiên mọc lên và tồn tại ở xã Anh hùng Tân Hội nhiều và lâu như thế mà không được chích, lọc bỏ. Phải chăng, những người tạo ra nó đã có ô dù bưng bít, chở che nên cái sai nối tiếp cái sai. Và có việc nào liền và ngay bằng việc thanh, kiểm tra phòng, chống và xử lý tiêu cực, tham nhũng? Vậy tại sao lãnh đạo huyện Tân Hiệp không xúc tiến? Những câu hỏi này, chúng tôi xin chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Kiên Giang.

* Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết, ông đã có nghe phản ánh về việc ông Trần Minh Hòa “nhờ” các trưởng ấp ký chứng từ để xã quyết toán khống. Huyện đã cử người xuống xã xác minh, nắm tình hình. “Tuy nhiên, huyện chưa thành lập đoàn thanh tra do cuối năm công việc rất nhiều”, ông Đức nói.

* Được biết, ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội là xui gia với ông Trương Văn Hoàng, Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp. Ông Trần Minh Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội hiện giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Hiệp. Ông Bùi Quốc Duy, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Hội hiện giữ chức Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Hiệp.

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38512402-nhieu-chuyen-%E2%80%9Cdong-troi%E2%80%9D-o-tan-hoi.html