Nhiều chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp do hành khách 'ngang ngược'

Trung bình cứ ba tiếng lại có một chuyến bay ở Liên minh châu Âu bị gián đoạn do hành vi sai phạm của hành khách.

Cơ quan an toàn hàng không EU (EASA) cho biết: "Mỗi tháng sẽ một chuyến bay buộc phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp khi các tình huống như vậy xảy ra ở mức đỉnh điểm".

Năm 2018, số trường hợp được coi là "vô đạo đức" của hành khách đã tăng 34%.

Mặc dù những hành khách có tính ngang ngược và hung hăng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số những người đi du lịch, nhưng hậu quả do hành vi của họ lại rất nghiêm trọng.

Trung bình cứ ba tiếng lại có một chuyến bay ở Liên minh châu Âu bị gián đoạn do hành vi sai phạm của hành khách. Ảnh: Shutterstock.

Trung bình cứ ba tiếng lại có một chuyến bay ở Liên minh châu Âu bị gián đoạn do hành vi sai phạm của hành khách. Ảnh: Shutterstock.

Gần 8.000 hành khách làm sai quy định mỗi năm

Theo thông báo trong chiến dịch ""Not On My Flight" do EASA đề ra: "Cứ sau 3 giờ những hành khách “ngang ngược” này lại đe dọa sự an toàn của chuyến bay". Điều đáng lên án hơn cả là họ không chỉ đe dọa phi hành đoàn mà cả hành khách tham gia chuyến bay.

Và theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) từ năm 2017, trung bình cứ sau 1.053 chuyến bay lại có một chuyến bay xảy ra sự cố như vậy.

Theo tổ chức, loại hành vi “ngang ngược” này ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2016, cứ 1424 chuyến bay thì mới xuất hiện một chuyến xảy ra sự cố như vậy. Tuy nhiên, IATA cũng cho biết họ không thể thu thập dữ liệu từ tất cả các hãng hàng không, nên quy mô của hiện trạng hành khách “ngang ngược” còn có thể lớn hơn rất nhiều.

Chỉ riêng năm 2017 đã có 8.731 trường hợp hành khách làm sai quy định trên các chuyến bay.

Số hành khách ngang ngược và hung hăng trên các chuyến bay trong giai đoạn 2007-2017.

IATA có hẳn một danh sách các hành vi của hành khách được cho là không thể chấp nhận được, tính theo bốn cấp độ:

Xúc phạm người khác bằng lời nói và không tuân thủ các quy tắc an toàn bay như hút thuốc lá trong nhà vệ sinh của máy bay.

Chọc phá, xô đẩy, khạc nhổ, các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, phá hủy thiết bị máy bay.

Các hành vi đe dọa đến tính mạng, như sử dụng vũ khí với mục đích hành hung hoặc gây hại

Cản trở hoặc vi phạm các nội quy an toàn trong buồng lái dù vô ý hay cố ý, các hành vi phá hoại, bắt giữ người bất hợp pháp trên máy bay.

Theo báo cáo có tới 86% hành khách có hành vi sai trái trên máy bay thuộc loại "vi phạm" cấp độ một, trong đó, phổ biến nhất là các hành vi không tuân thủ các quy tắc an toàn bay (49%), say rượu (27%) và hút thuốc trên máy bay (24%).

Tim Colehan, trợ lý phụ trách chính phủ và bộ ngành tại IATA giải thích: "Những hành vi như vậy sẽ không được chấp nhận trên máy bay, thậm chí trong nhà hàng hay trong văn phòng. Phải có biện pháp xử lý ngay lập tức đối với những hành vi này. Tuy nhiên, khi chúng xảy ra trên các chuyến bay, việc trừng phạt dường như không thực hiện được."

Thật ra không dễ để đưa ra trừng phạt cho một hành khách vi phạm trật tự bay. Tuy nhiên, ngành hàng không đang tìm cách thay đổi điều đó.

Theo kết quả của cuộc khảo sát trên 2.500 người, cứ ba người thì có một người là đã từng chứng kiến hành vi sai trái của hành khách trên máy bay và 80% những người được khảo sát đều muốn "những kẻ gây rối” trên các chuyến bay phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hai trong ba nhóm vi phạm phổ biến nhất là say rượu và hút thuốc trên máy bay. Ảnh: Maarten Visser.

Sửa luật để xử lý hành khách sai phạm

Tuy nhiên, Hiệp hội Buồng lái Châu Âu (ECA) chỉ ra rằng luật pháp hiện hành cho vấn đề này lại đang dựa trên Công ước Tokyo, được viết từ hơn 50 năm trước.

IATA tuyên bố: "Luật pháp không thực sự hiệu quả. Nó giới hạn đơn vị xử lý sai phạm đối với các hành khách vi phạm nội quy hàng không và chỉ cho phép nhà nước nơi hãng bay đó đăng ký lưu hành có quyền xử lý sai phạm. Điều này có nghĩa là ngay khi hạ cánh, phi hành đoàn chỉ có thể giao hành khách phạm luật cho các cơ quan chức năng sở tại mà họ lại không hề có quyền xử lý sai phạm của những hành khách này".

Cũng theo IATA, trong hầu hết trường hợp, hành khách vi phạm điều luật bay đều được thả ra và có thể tiếp tục đi chuyến khác mà không phải chịu bất cứ hình thức xử phạt nào và rất có thể họ sẽ lại tái phạm trên các chuyến bay kế tiếp.

IATA đang muốn hành động trên hai cả hai phương diện là phòng ngừa và răn đe. Những điều luật được nêu trong Nghị định thư Montreal năm 2014 cho phép các quốc gia có quyền xử lý ngay tức khắc đối với những hành khách vi phạm điều lệ bay bất kể quốc gia đó có được hãng bay đăng ký hay không.

Để nghị định thư này đi vào luật lệ thực tiễn thì phải có sự liên kết của ít nhất 22 quốc gia và cho đến cuối năm 2018, 17 quốc gia đã đồng ý liên minh.

Bùi Nhung
Theo Business Insider

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-chuyen-bay-phai-ha-canh-khan-cap-do-hanh-khach-ngang-nguoc-post933389.html