Nhiều chương trình đón Tết Tân Sửu đặc sắc tại Hà Nội

Vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, người dân Hà Nội vẫn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động chào đón tết Tân Sửu đặc sắc.

Chương trình “Chợ tết quê em” gồm các hoạt động như chợ quê truyền thống, trải nghiệm trò chơi dân gian, tham quan làng cổ… sẽ được tổ chức tại di tích Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vào ngày 30-1-2021.

Các em nhỏ đều rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động tìm hiểu văn hóa, trò chơi dân gian thú vị

Các em nhỏ đều rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động tìm hiểu văn hóa, trò chơi dân gian thú vị

Không gian chợ tết truyền thống sẽ bày bán nhiều loại đặc sản của địa phương như các loại bánh kẹo, chè lam, thịt quay đòn, cây cảnh, hoa tết, các sản phẩm nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Trong không gian chợ có khu trang trí phong cách chợ quê, phục vụ du khách chụp ảnh, “check-in” và không gian thầy đồ cho chữ ngày xuân.

Ngoài ra, du khách đến với làng cổ Đường Lâm dịp này còn được người dân địa phương hướng dẫn gói bánh chưng, học làm kẹo lạc, làm bánh, chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống. Ban tổ chức cũng bố trí các tour du lịch để du khách tham quan nhà cổ, tìm hiểu di sản và các làng nghề truyền thống tại Đường Lâm.

Tại Hoàng thành Thăng Long, từ ngày 4-2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý) đến ngày 20-2-2021 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Tân Sửu) diễn ra chương trình "Tân Sửu nghênh xuân". Du khách sẽ được hòa vào không gian độc đáo tái hiện về nghi lễ tiến xuân ngưu thông qua mô hình thần câu mang tế xuân, xuân ngưu vua ban trong nghi lễ ngày lập xuân thời Lê Trung hưng;

Các phong tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán thể hiện ở các gian trưng bày không khí chuẩn bị đón Tết, không gian thờ cúng, phong tục chúc tết và mừng tuổi ngày Tết; tiễn năm Canh Tý, đón năm Tân Sửu; nghệ thuật thư pháp; tranh vẽ với chủ đề Chào đón mùa xuân…

Nghệ nhân hướng dẫn cách gói bánh chưng

Tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 5-2 (tức ngày 24 tháng Chạp) đến ngày 21-2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), theo truyền thống sẽ diễn ra chương trình "Hội chữ Xuân Tân Sửu” với các hoạt động thiết thực bảo tồn nét đẹp văn hóa thư pháp, văn hóa xin chữ của người Việt.

Từ 6-2 (tức 25 tháng Chạp), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình “Tết Việt - Tết Phố năm 2021”. Chương trình “Tết Việt - Tết Phố” năm nay có nhiều hoạt động ý nghĩa và mang đậm nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của người Việt như: Rước lễ ra đình, nghi lễ cúng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu, các hoạt động diễn xướng nghệ thuật dân gian…

Ngay từ đầu tháng 1, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức một loạt chương trình "Đón xuân vùng cao" với nhiều hoạt động lễ hội, sinh hoạt, ca múa, ẩm thực đặc sắc của các dân tộc.

Vào ngày 4-2 tới đây, hướng đến chuẩn bị chương trình Vui Xuân Tân Sửu, Bảo tàng Dân tộc học sẽ tổ chức chương trình 23 tháng Chạp Tết Việt - Không gian thiêng. Chương trình sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân dân gian với những nội dung chia sẻ hết sức ý nghĩa như: Chia sẻ ý nghĩa ngày Tết, dựng cây nêu và tìm hiểu ý nghĩa, giới thiệu về mâm cỗ, bàn thờ ngày Tết và lễ cúng ông Công ông Táo; viết thư pháp, in tranh Đông Hồ; gói bánh chưng...

Cùng với đó là hoạt động trình diễn múa rối nước, trò chơi ngày Tết của một số dân tộc như chọi trâu, bắt chạch trong chum, húc trâu, kéo co, chơi quay, đi cà kheo, đẩy gậy, nhảy bao bố... Trong nhiều năm tổ chức, các hoạt động vui chơi dịp lễ hội, xuân sang tại Bảo tàng Dân tộc học luôn thu hút được một lượng lớn người tham gia, không chỉ khách du lịch mà còn có cả các gia đình sinh sống tại Hà Nội.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-chuong-trinh-don-tet-tan-suu-dac-sac-tai-ha-noi-226330.html