Nhiều chủng cúm mới, đối tượng nào cần thận trọng khi mắc cúm?

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người bị mắc suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường, xơ gan, điều trị hóa chất) hoặc bệnh nhân mắc bệnh nền phổi mãn tính, tim… khi nhiễm cúm có thể diễn biến bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng.

Nhiều bệnh nhân mắc cúm nặng, nguy kịch tính mạng.

Nhiều bệnh nhân mắc cúm nặng, nguy kịch tính mạng.

Sản phụ nguy kịch vì mắc cúm A

Thời gian gần đây, ghi nhận tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tiếp nhận nhiều ca cúm mùa, phổ biến là cúm H1N1, một số ít ca mắc cúm H8N2, cúm B. Trong đó, có nhiều ca bệnh nặng đe dọa tính mạng.

Hiện tại, khoa đang điều trị tích cực cho bốn bệnh nhân nhiễm cúm rất nặng. Có hai bệnh nhân đang được điều trị thở máy và đã sử dụng các biện pháp hồi sức thường quy tối ưu nhưng bệnh nhân đáp ứng rất kém, phải dùng tới biện pháp kỹ thuật tim phổi nhân tạo.

Theo BS Đồng Phú Khiêm, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sáu ngày trước, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nữ mang thai ở tuần 31 (Bắc Ninh) được chuyển từ Bệnh viện Đại học Y sang. Khi thấy sốt, đau mỏi người, ho, gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám và được test dương tính với cúm A. Bệnh nhân được chuyển ngay sang BV Bệnh Nhiệt đới vì nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng.

“Ngay từ khi vào viện, chúng tôi đã nhận định đây là đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, theo dõi sát, cho uống thuốc để diệt virus cúm nhưng tình trạng diễn biến nhanh. Chỉ 12 giờ đồng hồ nhập viện, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng. Trên phim chụp X-quang phổi mờ lan tỏa, trắng hai phổi, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân phải thở máy nhưng vì bệnh cảnh nặng nề nên chúng tôi phải áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo để hỗ trợ cho bệnh nhân”, BS Khiêm cho biết.

Đến hôm nay, sau sáu ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp của sản phụ giảm dần; tình trạng suy tuần hoàn, suy thận, suy đa tạng đang trên đà hồi phục tốt. Về tổn thương phổi sẽ cần phải ba tuần đến năm tuần để hồi phục dần. Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân thoát khỏi hệ thống máy thở hỗ trợ nhân tạo trong 2-3 tuần mới.

Cúm đang biến đổi, đối tượng nào cần thận trọng khi mắc cúm?

GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, do sự biến đổi khí hậu nên bộ mặt dịch tễ của bệnh cúm ở nước ta thay đổi rất nhiều. “Trước đây ta gặp cúm vào mùa lạnh, thu đông, đông xuân như giờ cúm xuất hiện quanh năm và có thể gây ra đại dịch chết hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu và ngày càng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, biến chủng mới của cúm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng làm bệnh nhân diễn biến bệnh nặng ở phổi và có nguy cơ bị tử vong”, GS Kính cho hay.

GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo GS Kính, virus cúm A có bề mặt kháng nguyên chính là H và N, trong đó có 15 kháng nguyên H và chín kháng nguyên N nên khi kết hợp lại, sẽ có nhiều chủng cúm A khác nhau. Mức độ lây nhiễm cúm A lan rộng, nhanh hơn và ngày càng có thêm nhiều chủng cúm A mới như H7N9, H5N6… Vì thế, nên phải cảnh giác với bệnh cúm vì cúm gây ra diễn biến nặng, có thể tử vong.

Một vấn đề đáng báo động nữa là hiện nay trên thế giới, virus cúm đã kháng lại các thuốc chống cúm được sử dụng từ lâu như Tamiflu. Tại Trung Quốc, Tamiflu đã kháng với tỷ lệ rất cao, phải dùng thuốc điều trị cúm khác. Theo GS Kính, tại Việt Nam, qua nghiên cứu dịch tễ học và điều trị trên lâm sàng, thuốc Tamiflu tại Việt Nam có tỷ lệ kháng chỉ 10-15% nên vẫn được sử dụng để điều trị.

Theo BS Đồng Phú Khiêm, đa phần người mắc cúm có biểu hiện nhẹ và tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân nguy cơ cao có thể nhiễm cúm ở thể nặng, đe dọa tính mạng.

Đối tượng gồm bệnh nhân trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, bị mắc suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường, xơ gan, điều trị hóa chất hoặc bệnh nhân mắc bệnh nền phổi mãn tính, tim… khi nhiễm cúm có thể nặng hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân khỏe mạnh, nếu nhiễm phải chủng cúm có độc lực cao, có thể gây ra tình trạng tổn thương phổi nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp nhiễm cúm trên người mà có yếu tố nguy cơ, nên đến cơ sở y tế đánh giá và khám để các bác sĩ cân nhắc đánh giá điều trị càng sớm càng tốt, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh. Những người không thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao, nếu có biểu hiện viêm đường hô hấp dưới như đau tức ngực, khó thở, thở nhanh hoặc chỉ tình trạng sốt, ho kéo dài hơn bình thường thì nên đến khám, đánh giá để các bác sĩ quyết định hướng điều trị.

Virus cúm thay đổi nhanh hằng năm và có thêm nhiều chủng cúm mới, vaccine phòng cúm có kháng thể chỉ lưu hành bảo vệ trong thời gian thấp, vì thế để ngăn ngừa bệnh cúm diễn biến nặng, những nhóm bệnh nhân đã từng nhiễm cúm nặng, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền, nhóm người trên 55 tuổi nên tiêm phòng định kỳ hằng năm.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/39752902-nhieu-chung-cum-moi-doi-tuong-nao-can-than-trong-khi-mac-cum.html