Nhiều chứng cứ chứng minh 'người đương thời' Nguyễn Đình Chiến không có hành vi gian dối?

Nhiều chứng cứ và giả thiết cho thấy 'người đương thời' Nguyễn Đình Chiến không có hành vi gian dối trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo như cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đình Chiến đều cho rằng, ông Nguyễn Đình Chiến sử dụng các giấy tờ: Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclays LonDon đề ngày 10/10/2007, có số tiền 500 triệu Euro, người thụ hưởng là ông Nguyễn Đình Chiến (BL500); Giấy hứa thanh toán nợ quốc tế ngày 26/6/2007 của Tập đoàn Basownn Hồng Kông, do ông Bạch Minh Sơn, Chủ tịch tập đoàn kí hứa chuyển trả cho ông Chiến 2 triệu USD (Giấy hứa TT); Thư bảo lãnh của Ngân hàng EuroBank, có tổng số tiền 100 triệu Euro, người thụ hưởng là ông Bounthoua Sayavong (BL100); Điện báo của Federal Reserve Bank of New York số tiền 6 tỉ Euro, người thụ hưởng Công ty TNHH XNK phát triển nông lâm nghiệp (Điện báo 6 tỉ); Hợp đồng ủy quyền của ông Aixinjueluo Yuhao, ủy quyền cho ông Chiến sử dụng viên ngọc trị giá 1,2 tỉ USD (GUQ viên ngọc).

Các tài liệu, giấy tờ này bị cho là giả mạo, không có nguồn gốc xuất xứ, không có căn cứ pháp lí nhằm tạo niềm tin, kí các hợp đồng hợp tác đầu tư, để chiếm đoạt tiền của Công ty CP Đại Viễn Dương (Công ty ĐVD) và Đại học Nguyễn Trãi nên tại các Bản án sơ thẩm số 154/2011/HSST ngày 11/3/2011, của TAND TP Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 471/2011/HSPT ngày 15/8/2011, của TAND Tối cao, đều tuyên ông Chiến phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với mức án chung thân.

 Ông Nguyễn Đình Chiến tại phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Chiến tại phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã không làm rõ, các giấy tờ này ông Chiến có được khi đang thực hiện chương trình quay vòng tài chính, không do ông Chiến làm giả, mà do đối tác gửi, hoặc ông được ủy quyền. Ông Chiến khẳng định, ông không sử dụng các giấy tờ này nhằm lừa đảo các đối tác.

Điều này được thể hiện tại thực tế BL500 được cung cấp bởi bên bán, kèm theo hợp đồng mua bán công cụ tài chính và phụ lục kèm theo.

Trong quá trình điều tra, xét xử, ông Chiến đều khai mẫu BL500 này do ông Nguyễn Xuân Mão gửi cho ông Chiến, trong quá trình xúc tiến giao dịch với Tập đoàn Qiguang (HK) Internation Edifce theo Hợp đồng AMO-BG500M-03102007.

Thế nhưng, cơ quan tố tụng chỉ xem xét độc lập, không tính đến toàn bộ quá trình giao dịch. Mặt khác, BL500 có ghi tên 2 người quản lí cao cấp là ông Michael Attee (Snr Manager) và Ian Puddeta (Snr Manager), nhưng không có chữ kí của 2 người này.

BL500 ghi “No mail or hard copy will follow” (nghĩa là không có thư điện tử và bản giấy kèm theo) và “text code” (nghĩa là mã hóa).

Như vậy, đây chỉ là bản mẫu được mã hóa bằng Swift và chuyển giữa các ngân hàng, không có bản giấy chính thưc lưu hành bên ngoài. Thực chất, BL500 chỉ là bản mẫu bên bán cung cấp cho ông Chiến trong quá trình giao dịch, không có giá trị thực tế.

Vậy, ông Nguyễn Tiến Luận, là TS giỏi tiếng Anh là Chủ tịch HĐQT một trường đại học; hay ông Phạm Trọng Thuần, Giám đốc một doanh nghiệp tầm cỡ, cũng phải hiểu văn bản này không có giá trị, nói gì đến giả hay không giả? Điều này chứng tỏ, ông Chiến không thể mang BL500 ra lòe bịp ông Luận, ông Thuần, để tạo niềm tin nhằm kí các hợp đồng hợp tác, để chiếm đoạt tiền của 2 đơn vị này.

Đối với BL100 và Điện báo 6 tỉ, cơ quan tố tụng cho rằng, ông Chiến dùng các giấy tờ này tạo niềm tin cho ông Phạm Trọng Thuần và đây là các giấy tờ giả.

Trong khi đó, không chứng minh được ai làm giả các giấy tờ này? Thực tế, không thể có chứng cứ chứng minh các giấy tờ này là giả, bởi 2 văn bản này do ông Bounthua ủy quyền cho ông Chiến, nằm trong chương trình quay vòng tài chính của ông.

Ông Chiến tin tưởng các giấy tờ này và tin rằng sẽ thành công, nên đã chi tiền cho ông Bounthua 300.000 USD, theo Hợp đồng hợp tác ngày 18/11/2007.

Do đó, năm 2018, ông Bounthua ủy quyền cho ông Chiến sử dụng 2 công cụ tài chính này để quay vòng. Ông Chiến không thể biết, 2 giấy tờ này là giả hay không.

Thực tế, không có bằng chứng nào chứng minh ông Chiến nói rằng mình có số tiền đó, bởi trên 2 công cụ tài chính này nói rõ, người thụ hưởng là ông Bounthua, chứ không phải ông Chiến.

Biên bản xác nhận công nợ giữa ông Nguyễn Đình Chiến và ông Bạch Minh Sơn, người làm chứng là ông Trần Duy Dũng.

Như vậy, cơ quan tố tụng quy kết ông Chiến dùng các công cụ tài chính này để lừa đảo, là không có căn cứ, rất không logic về thực tế, cũng như xét ở góc độ khoa học hình sự. Các giấy tờ khác cũng không có căn cứ chứng minh ông Chiến làm giả mạo, cụ thể:

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không thấy căn cứ nào chứng minh ông Chiến làm giả giấy tờ, không có tài liệu nào cho thấy ông Chiến nói với các đối tác rằng, ông có tiền từ các giấy tờ đó.

Ngược lại tài liệu cho thấy, ông Chiến có xúc tiến các chương trình tài chính như: Chuyển tiền cho ông Nguyễn Xuân Mão và ông Bạch Minh Sơn; Kí kết hợp đồng ủy quyền với các ông Bounthoua, Yuhao và chuyển tiền cho họ.

So sánh các tài liệu cho thấy, số tiền ông Chiến đầu tư lớn hơn rất nhiều so với số tiền ông nhận được từ các đối tác theo hợp đồng. Do đó, ông Chiến (một người làm kinh tế) không dại gì bỏ ra rất nhiều tiền, để đi lừa đảo 20 tỉ đồng.

Mặt khác, ông Chiến đã sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặt cọc cho Đại học Nguyễn Trãi, để bảo đảm nghĩa vụ hoàn lại tiền. Về các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là giao dịch thực tế giữa Công ty Bắc Hà với Công ty Bằng An.

Các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, Công ty Bắc Hà rất nhiều lần chi tiền trả cho Công ty Bằng An, chứng từ chi tiền cũng được cung cấp đầy đủ cho cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng không được xem xét.

Thậm chí chứng từ chuyển khoản 5 tỉ đồng qua ngân hàng cũng không được xem xét, mà chỉ dựa vào lời khai của bà Nguyễn Thị Bằng An rằng, ông Chiến không chuyển cho bà An đồng nào.

Ông Chiến cho rằng, Tòa chỉ dựa vào lời khai vô căn cứ của kẻ “đục nước béo cò” để kết tội ông, khiến Công ty Bắc Hà thiệt hại nặng nề về kinh tế, bằng việc kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển lại tên cổ đông Công ty Bằng An như ban đầu.

Từ đó, các cổ đông mới của Công ty Bằng An bị loại, thay vào đó là các con của bà Nguyễn Thị Bằng An, đã chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác, trong khi trước đó dự án có quyền sử dụng đất đã được Công ty Bằng An chuyển nhượng cho Công ty Bắc Hà.

Tóm lại, tài sản mà ông Chiến đặt cọc cho Đại học Nguyễn Trãi, là do Công ty Bắc Hà trả bằng tiền để có được. Ông Chiến có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng, đó là tài sản do Công ty Bắc Hà sở hữu, nên mới mang đi đặt cọc.

Điều khó tin, một giao dịch có hợp đồng bằng văn bản, có chứng từ chi tiền mặt và chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng, lại không được các cấp Tòa án chấp nhận.

Ngược lại, Tòa chỉ chấp nhận những lời khai không phù hợp với bất cứ tài liệu nào có trong hồ sơ vụ án, để tuyên trách nhiệm hình sự đối với ông Chiến, trách nhiệm dân sự đối với Công ty Bắc Hà. Ông Chiến cho rằng, đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng tố tụng của Tòa án, đã đẩy ông vào con đường tù tội, oan sai.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/nhieu-chung-cu-chung-minh-nguoi-duong-thoi-nguyen-dinh-chien-khong-co-hanh-vi-gian-doi-d111167.html