Nhiều chủ vườn nhãn được mùa sẽ trúng lớn

Sản lượng nhãn năm nay của tỉnh Hưng Yên không cao, ước đạt khoảng 32 nghìn tấn, giảm khoảng 20% so sản lượng nhãn năm 2018. Song giá nhãn lại đang ở mức cao, nhiều chủ vườn nhãn được mùa sẽ thu lợi lớn.

Hưng Yên: Sản lượng nhãn thấp nhưng đạt giá trị cao

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên bắt đầu bước vào thu hoạch hơn 4.000 ha nhãn, theo các cán bộ chuyên môn, năng suất năm nay không cao do thời tiết nắng nóng nhiều, làm mất mùa chủ yếu nhãn trồng ven đường, nhãn vườn tạp và một số nơi mới chuyển đổi sang trồng nhãn... Ở những vùng thâm canh cao, chủ vườn nhãn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc, điều tiết ra hoa, đậu quả nên cây nhãn vẫn cho năng suất đạt khá.

Năm nay, nhiều huyện, thành phố ở tỉnh Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP; đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 500 ha nhãn được cấp giấy chứng nhân VietGAP, tăng hơn 300 ha so với năm 2018. Diện tích nhãn sản xuất theo quy trìnhVietGAP tập trung chủ yếu ở huyện Khoái Châu có khoảng 230 ha nhãn và TP Hưng Yên gần 200 ha…

Năng suất, sản lượng nhãn ở Hưng Yên năm nay thấp hơn năm trước, nhưng giá nhãn lại cao, nhãn đầu vụ có giá từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg; nhãn đường phèn đặc sản có giá hơn 100 nghìn đồng/kg; nhiều chủ vườn nhãn được mùa sẽ thu lợi lớn.

Hải Dương: Xây dựng 25 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện

Gà đồi là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP Chí Linh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, ngoài 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (NNCL) cấp tỉnh, các huyện, thành phố đang xây dựng sản phẩm NNCL của từng địa phương với tổng số 25 sản phẩm.

Các huyện Kim Thành, Kinh Môn mỗi huyện lựa chọn 3 sản phẩm NNCL. Những địa phương còn lại xây dựng từ 1-2 sản phẩm NNCL. Quy mô các sản phẩm NNCL trồng trọt từ 50-100 ha/vùng, sản phẩm chăn nuôi từ 3.000 con/mô hình trở lên; các sản phẩm chế biến từ 300 tấn/năm trở lên.

Thanh Hóa: Làng nghề thiếu lao động có tay nghề cao

Nghề đan cót tại làng Giàng, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) chỉ còn những lao động cao tuổi tham gia sản xuất.

Hiện nay, các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề, để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của hàng hóa ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 132 làng nghề với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 90.000 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Một số nghề hiện nay đang phát triển tại các địa phương, như: Đúc đồng, chiếu cói, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ, cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản...

Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng các nghệ nhân hiện có trên địa bàn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một thực tế là nhiều làng nghề đang rất thiếu đội ngũ thợ có tay nghề cao, thợ giỏi. Với các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đúc đồng, chiếu cói, móc sợi, mây tre đan..., đội ngũ nghệ nhân cao tuổi ngày càng giảm dần, trong khi lớp trẻ hiện có xu hướng đi làm việc ở các khu công nghiệp tập trung hoặc đi làm thuê chứ không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.

Có thể nói, việc đào tạo nghề, thu hút lao động có tay nghề cao để duy trì và phát triển các làng nghề, nhất là các nghề thủ công mỹ nghệ cho người lao động là hết sức cấp thiết. Việc này không chỉ vì thu nhập và đời sống của người dân, mà còn nhằm bảo tồn và phát triển những ngành nghề truyền thống, lưu giữ tinh hoa văn hóa của quê hương.

Với các nghề mới du nhập, nếu công tác đào tạo nghề không được tổ chức đúng tầm với yêu cầu, nhiều làng nghề sẽ có nguy cơ “chết yểu”, trước hết do chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Để công tác đào tạo nghề đạt được những hiệu quả, các làng nghề thu hút được nhiều lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các làng nghề; các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm việc nhân cấy nghề mới cho những địa phương chưa có hoặc đang rất ít nghề, để phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, quan tâm, đưa vào chương trình dạy nghề đối với một số nghề truyền thống có khả năng phát triển, cần được bảo tồn như nghề làm đúc đồng, thêu ren, chiếu cói và các sản phẩm từ cói, nghề dệt tơ tằm, thổ cẩm.

Vĩnh Phúc: Tiêu hủy hơn 28 nghìn con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Yên Lạc

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: IT)

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Lạc, tính đến giữa tháng 7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 1.298 hộ, thuộc 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Ngay sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, huyện Yên Lạc đã tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh đúng quy định. Đến nay, huyện đã tiêu hủy hơn 28 nghìn con lợn với tổng trọng lượng 2.067 tấn. UBND huyện đã đề nghị hỗ trợ kinh phí cho 89 hộ có lợn bị tiêu hủy với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, Đồng Cương là xã được hỗ trợ nhiều nhất với 1,2 tỷ đồng cho 20 hộ. Đây là huyện có số lượng lợn bị tiêu hủy nhiều nhất, chiếm gần 40% số lợn tiêu hủy trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tiếp tục khống chế, bao vây ổ dịch, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Công an huyện, Trạm chăn nuôi và thú y, Đội quản lý thị trường số 3 và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tình hình vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; khuyến cáo các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như phun thuốc khử trùng, tiêu độc theo quy định, rắc vôi bột định kỳ, thực hiện chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học; đồng thời, tích cực chỉ đạo công tác chuẩn bị phương tiện, điều kiện phòng dịch ở các xã, thị trấn, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Thanh Tâm (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nhieu-chu-vuon-nhan-duoc-mua-se-trung-lon-post29515.html