Nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học

Theo Bộ Tư pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra VBQPPL.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) cho phép trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL, cơ quan, tổ chức lập đề nghị có thể huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường ĐH, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học vào các hoạt động như: Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát đánh giá các VBQPPL hiện hành; Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL; Tập hợp, nghiên cứu, so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL; Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL.

Ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL . Ảnh minh họa

Ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL . Ảnh minh họa

Trong giai đoạn soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học được quy định là thành phần bắt buộc trong Ban soạn thảo, trong Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã dành 1 Điều (Điều 175) để quy định về điều kiện bảo đảm cho việc sử dụng chuyên gia trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản.

Khoản 3 Điều 175 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định, chuyên gia tham gia vào các công đoạn của quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL được hưởng các chế độ sau: Được nhận tiền thù lao theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa cơ quan, đơn vị chủ trì với chuyên gia; Được cung cấp thông tin có liên quan trong quá trình thực hiện công việc; Được hỗ trợ chi phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước có nội dung phù hợp với công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng với mức hỗ trợ theo quy định của pháp luật; Có quyền đề xuất phương thức thực hiện công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng phù hợp với yêu cầu chuyên môn của công việc đó; Được khen thưởng và vinh danh xứng đáng với kết quả, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Chuyên gia sẽ được nhận thù lao theo mức ghi trong hợp đồng và tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp hoặc kinh phí hợp pháp khác dựa trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của chuyên gia.

Theo Bộ Tư pháp về cơ bản, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể các chế độ, chính sách để thu hút chuyên gia trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Để huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, các bộ, cơ quan ngang Bộ có thể huy động thêm các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho việc thuê các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan có thể sử dụng nguồn kinh phí tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để thuê chuyên gia. Bảo đảm gắn kết giữa công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông đã có ý kiến Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế tài chính đủ và bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và công tác tư pháp nói chung. Qua đó nhằm thu hút chuyên gia giỏi tham gia xây dựng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-chinh-sach-thu-hut-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-180622.html