Nhiều chính sách 'hút' doanh nghiệp vào dạy nghề

Mới đây, Bộ LĐTBXH đã có những chủ trương lớn nhằm huy động tối đa sức mạnh, sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác dạy nghề, đảm bảo dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Cung – cầu cùng kết hợp

Nhiều năm gần đây, nhờ sự kết hợp giữa doanh nghiệp (DN) và cơ sở đào tạo nghề trở nên nhuần nhuyễn hơn, tỷ lệ học sinh sau đào tạo nghề ra trường có việc làm cao hơn. Ở nhiều ngành nghề, 80 - 90% học viên học nghề có việc làm. Việc nhà trường và DN kết hợp đào tạo nghề không chỉ giúp sinh viên tiếp cận nhiều cơ hội việc làm mà DN cũng có được nhân lực đảm bảo cho hoạt động sản xuất, giảm chi phí đào tạo lại cho lao động. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện (CĐCĐ) Hà Nội cho biết, vấn đề này đã được nhà trường thực hiện tương đối bài bản trong những năm qua vì sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên. “Việc gắn kết với DN không chỉ cung cấp cho sinh viên của trường nơi thực tập mà quan trọng nhất là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Hiện nay trường đang có quan hệ đối tác với trên 100 DN, bao gồm cả DN lớn, DN vừa và nhỏ, thậm chí hộ kinh doanh gia đình, trong đó các DN có hợp tác thường xuyên là khoảng 70 DN. Nhờ sự kết hợp này mà học sinh, sinh viên của nhà trường luôn có chỗ thực tập ổn định. Học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường chiếm tỷ lệ cao, nhất là các khối ngành về kỹ thuật, cơ khí với tỷ lệ đạt 100%” – ông Ngọc cho biết.

DN sẽ được miễn, giảm thuế nếu tham gia hoạt động đào tạo nghề (ảnh minh họa lao động tại Công ty YAMAHA). Ảnh: N.T

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc kết hợp đào tạo có lợi cho mọi phía. Theo đó, nhà trường sẽ không cần đầu tư quá nhiều thiết bị cơ sở vật chất như nhà xưởng, phòng học, thậm chí là công nghệ vì DN phải luôn luôn đổi mới công nghệ để phát triển. Khi kết hợp với DN hai bên sẽ cùng chia sẻ công nghệ cho nhau.

Hơn hết, sự kết hợp này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động. Khi sinh viên được thực hành tại DN cũng đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh thực tiễn, qua đó có thể lựa chọn việc làm phù hợp hơn.

Tuy sự kết hợp này mang lại nhiều lợi ích nhưng thực tế nhiều DN lại không mấy mặn mà khi tham gia công tác đào tạo. Nguyên nhân được chỉ ra là hoạt động này mất quá nhiều thời gian, chính sách hỗ trợ DN còn quá hạn chế.

DN tham gia dạy nghề được miễn, giảm thuế

Nhận thấy những khó khăn của DN trong hoạt động phối hợp dạy nghề, mới đây Bộ LĐTBXH đã có Công văn 786 nhằm tạo điều kiện để gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN, thị trường lao động.

Theo đó, Bộ LĐTBXH đề nghị các DN cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành, nghề. Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ khuyến khích các DN hợp tác với các trường nghề để chủ động tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho DN. Đảm bảo người học vào học tại nhà trường sẽ được tiếp nhận thực tập, thực tế và làm việc tại DN sau khi tốt nghiệp.

“Hợp tác này giúp DN chủ động, có nguồn tuyển dụng phù hợp và được đào tạo theo đúng nhu cầu sử dụng lao động, giảm bớt chi phí tuyển dụng, giảm chi phí đào tạo lại, và trong nhiều trường hợp giảm cả chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tất cả những DN hợp tác đều sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo quy định” – ông Minh nói thêm.

Thời gian tới để thắt chặt hơn mối quan hệ này, Bộ LĐTBXH cũng kêu gọi các DN chủ động liên hệ với các trường nghề, các sở LĐTBXH để được hỗ trợ. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu và đơn hàng của các DN qua cổng thông tin của Tổng cục, và sẽ giới thiệu các DN với các đơn vị đào tạo có năng lực để phối hợp triển khai...

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhieu-chinh-sach-hut-doanh-nghiep-vao-day-nghe-855799.html