Nhiều chiêu trò sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng bị lật tẩy

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản đối với phân bón để sản xuất hàng giả, kém chất lượng...

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp trên các địa bàn trọng điểm; góp phần kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Chính vì vậy, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; nhằm chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 để nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường toàn quốc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Qua 2 năm thực hiện Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã đánh giá kết quả kiểm tra, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, mua bán, vận chuyển, sử dụng; trong cấp phép, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm, công bố hợp quy, hợp chuẩn; trong thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tái kiểm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của tỉnh, thành phố; công tác trao đổi thông tin, phối hợp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kinh doanh, mua bán, vận chuyển, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản đối với phân bón để sản xuất hàng giả, kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón…; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng…Tổ chức làm giả nhãn, bao bì, tên thương phẩm của DN khác có thương hiệu, hoặc giả tên thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang bán chạy trên thị trường…

Qua 2 năm thực hiện Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, thu gữi hàng chục nghìn tấn phân bón vi phạm có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 82,634 tỷ đồng, khởi tố 10 vụ và 12 bị can.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tich Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục có sự phối hợp trong kiểm soát, phòng chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả phòng, chống buôn lậu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhieu-chieu-tro-san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-kem-chat-luong-bi-lat-tay-d179345.html