Nhiều chiêu trò lừa đảo bán hàng tràn về thôn xóm

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, nhóm kinh doanh về các thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương để mời, dụ dỗ người dân (chủ yếu là người cao tuổi) các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, thuốc, máy mát-xa,... với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường nhưng chất lượng sản phẩm không kiểm soát được.

Bán sản phẩm tại hội thảo

Mượn nhà văn hóa hoặc nhờ người trong thôn, tổ dân phố đưa giấy mời đến tận tay người dân để hoặc nói rằng do “Hội Người cao tuổi” giới thiệu tới địa phương để giới thiệu, bán sản phẩm, những nhóm người này chủ yếu lừa đảo nhiều người cao tuổi. Chúng sử dụng các “chiêu” đánh vào tâm lý người già như: Tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, giới thiệu sản phẩm chữa bệnh; không bán 1 hộp mà chỉ bán 3-5 hộp trở lên hoặc chỉ mua trong ngày đó mới có giá rẻ... Các cụ hồ hởi khoe với con cháu mua được hàng rẻ nhưng khi đi tìm hiểu mới biết giá thực của các sản phẩm cùng loại chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 và được bán khắp các siêu thị, đại lý trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Mai (huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: Bà nhận được tờ rơi khi đang đi chợ, tờ rơi ghi rõ “Cứ đến hội thảo là có quà”. Ngày nào bà cũng tới hội thảo.

Những ngày đầu, hội trường luôn chật kín người. Tại hội thảo, các nhân viên trình chiếu và nói về những căn bệnh người già hay mắc phải như rối loạn tiền đình, mất ngủ, ăn kém, đau xương khớp đồng thời đưa ra lời khuyên: để tránh ốm đau ngăn ngừa được ung thư, bệnh tật các cụ nên mua hồng sâm dùng hằng ngày, mỗi hộp chỉ 12,8 triệu đồng. Dù giá cao ngất ngưởng so với thị trường nhưng vì không biết và lo sợ bệnh tật, rất nhiều người đã rút tiền tiết kiệm để mua hồng sâm. Tại làng Bình Đà, có gia đình dù chỉ bán rau ở chợ, thu nhập rất thấp cũng bỏ ra mấy chục triệu đồng mua 4 hộp cao hồng sâm.

Giấy mời của các đối tượng lừa đảo phát cho dân.

Giấy mời của các đối tượng lừa đảo phát cho dân.

Mặc dù, các sản phẩm được bán với giá chục triệu đồng, nhưng người mua không có hóa đơn đỏ, hóa đơn không có thông tin công ty mà được ghi rất sơ sài. Quan trọng hơn, khi kiểm tra mã vạch, tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất..., rất nhiều người “ngã ngửa” bởi không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc sản phẩm này.

“Tri ân khách hàng, chỉ tặng không bán”...

Theo phản ánh của người dân thôn Trước, xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang (Bắc Giang) vừa qua, một số người tới thôn và nhờ một chủ nhà trong thôn gửi giấy mời đến bà con tới chính địa điểm của gia đình để tuyên truyền về phòng chống cháy, nổ. Trên giấy mời ghi rõ độ tuổi tham dự từ 25 - 65 (không mang theo trẻ em).

Ban đầu, các đối tượng tuyên truyền phòng, chống cháy nổ gas và giới thiệu về dây gas, giá bán 150 nghìn đồng/chiếc. Nhiều người dân đã đăng ký mua, nhưng kỳ lạ là, những người này chỉ bán cho 3 người và sau khi thu tiền xong lại trả cho người đã mua (nói là để tri ân). Vẫn chiêu trò trên, các đối tượng bán thêm cho người dân vài chiếc thớt kính chịu lực giá 150 nghìn đồng/chiếc); chảo điện đa năng, giá bán 2,6 triệu đồng. Mặc dù, có nhiều người xin mua thớt và chảo nhưng các đối tượng chỉ bán cho 1, 2 người và vẫn dùng thủ đoạn thu tiền nhưng sau đó trả lại người mua.

Một người dân bị lừa mua bếp từ với giá cao.

Cuối cùng, nhóm người này giới thiệu bếp gas âm hồng ngoại (2,7 triệu đồng/chiếc). Chúng nói chỉ có 12 chiếc bếp gas, ai không mua nhanh sẽ không có cơ hội. Nhiều người tưởng sẽ được “tri ân” như những lần trước. Thậm chí, một số người dân không mang đủ tiền, những người này còn gợi ý vay tạm của người thân hoặc chủ nhà - nơi tổ chức buổi giới thiệu. Sau khi bán xong 12 chiếc bếp gas (đã thu đủ tiền) lợi dụng mọi người đang nhốn nháo, nhóm người lạ đã nhanh chóng biến mất. Lúc này một số người mới tá hỏa rằng mình bị lừa.

Những chiếc bếp gas được bán cho người dân đều không có nguồn gốc rõ ràng, không có bảo hành. Tổng số tiền người dân đã bị các đối tượng lừa bán hàng cách thức trên là hơn 64 triệu đồng.

Điều đáng nói là các nhóm người này thường nhờ các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đưa giấy mời đến tận tay người dân để tạo niềm tin hoặc nói rằng do “Hội Người cao tuổi” giới thiệu tới địa phương. Được biết, một số tổ dân phố có năm vài lần cho các đơn vị đa cấp đến bán hàng. Nhiều người dân bức xúc cho rằng đại diện lãnh đạo tổ dân phố hoặc tổ chức đoàn thể tiếp tay cho hành vi vi phạm, từ việc đồng ý cho sử dụng địa điểm đến việc phát giấy mời cho hội viên. Vì vậy, để không bị “tiền mất, tật mang”, người dân nên đề cao cảnh giác và chính quyền địa phương nên siết chặt việc giới thiệu hoặc cho phép những đơn vị, nhóm người kinh doanh đến quảng cáo, bán hàng tại nhà văn hóa.

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-chieu-tro-lua-dao-ban-hang-tran-ve-thon-xom-n185613.html