Nhiều chỉ số vĩ mô thay đổi khi tính lại GDP

Việc tính lại quy mô GDP đang gây ra nhiều lo ngại khi những chỉ tiêu tài chính quốc gia quan trọng như tỷ lệ nợ công, tỷ lệ nợ nước ngoài, hay tỷ lệ bội chi ngân sách… đang được tính toán dựa trên GDP.

Đây là những vấn đề đáng lo ngại được các chuyên gia chỉ ra tại tọa đàm “Tính lại GDP và lập dự toán ngân sách nhà nước”, do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức mới đây.

Trước đó, vào hồi tháng 8/2019, Tổng cục Thống kê (GSO) cho hay sau khi tính toán lại, GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 đã tăng thêm 25,4%. Một trong những nguyên nhân làm tăng GDP là do GSO bổ sung 76.000 doanh nghiệp vào quá trình tính toán lại quy mô nền kinh tế quốc gia. Từ đó đã nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với quy mô GDP, một số chỉ số vĩ mô quan trọng khác cũng đã có sự thay đổi đáng kể.

 TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế.

Bình luận về việc tính lại GDP này, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Ông cảm thấy sốc vì cách giải trình của cơ quan thống kê khi công bố con số quy mô GDP tăng thêm 25,4%. Theo ông Thành, tính lại GDP là việc quan trọng, cần sự phối hợp của Bộ Tài chính và GSO. Lẽ ra họp báo Bộ Tài chính và GSO phải ngồi với nhau, chưa kể phải có đại biểu Quốc hội nữa, bởi đây là một chuyện ảnh hưởng đến tất cả hình dung của chúng ta về nền kinh tế đất nước.

Vấn đề khác khiến ông Thành băn khoăn là cơ quan thống kê chưa giải trình được nguồn tính thêm từ đâu, chuẩn mực như thế nào. Ví dụ 76.000 doanh nghiệp được tính thêm thuộc ngành – lĩnh vực nào, quy mô ra sao, đã đóng thuế chưa… Kéo theo đó là rất nhiều chỉ tiêu vĩ mô thay đổi, cùng cả quá trình lập ngân sách cũng thay đổi theo. “Chúng ta có thêm 76.000 doanh nghiệp, như vậy ta biết rõ về ta hơn, nhưng thực chất cũng chẳng biết gì. Nếu làm hời hợt như thế này, trong khi còn chưa tính đến nền kinh tế ngầm, thì chúng ta tưởng đã biết nhưng thật ra là vẫn chưa biết ta là ai".

Ông Thành nhấn mạnh không quốc gia nào tính đầy đủ về GDP được, bởi các hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu không thống kê nổi, cho nên muốn tính thêm một nguồn bất kỳ vào GDP cũng cần phải làm rõ nguồn đó là gì và chuẩn mực để tính.

Về lập ngân sách (chỉ tiêu neo vào GDP), ông Thành kiến nghị trong một giai đoạn đủ dài (ví dụ 5 năm), lập ngân sách theo 2 ngưỡng: Một ngưỡng theo GDP cũ, một ngưỡng theo GDP mới để thử xem phản ứng của nền kinh tế, của chính sách, đặc biệt là ngân sách thế nào.

“Vì sao nên lập 2 ngưỡng? Vì kể cả không có GDP mới đi chăng nữa, thế giới cũng đang thay đổi, tất cả các nước đều dự báo tăng trưởng trong khoảng, chứ không cố định một con số. Thế thì dự toán ngân sách cũng nên có 2 con số: Trần trên và trần dưới”, ông Thành giải thích.

Do đó, ông Thành cũng kiến nghị cách đặt chỉ tiêu của Quốc hội phải khác đi: Cái gì là biến nội sinh, ví dụ tăng trưởng, thì linh hoạt; cái gì là biến ngoại sinh, ví dụ chi ngân sách, thì nghiêm túc và siết chặt kỉ luật.

Nhiều chỉ số vĩ mô thay đổi khi tính lại GDP.

Chia sẻ về các lo ngại khi quy mô GDP thay đổi, song ông Phạm Đình Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng không nên quá lo ngại. Bởi khi Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính trung hạn, thì các nhà hoạch định chính sách không chỉ dựa vào một yếu tố là chỉ tiêu GDP để xác định mức độ vay của ngân sách. Yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo việc vay nợ là an toàn ở khả năng trả nợ, sử dụng tiền vay hiệu quả…

“Không có chuyện mấy hôm nữa khi Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2020 mà thấy trần nợ công lên thì tha hồ vay thêm. Việc vay nợ phải đảm bảo 2 điều là khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn, không phải vấn đề room”, ông Cường khẳng định.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cũng cho rằng, dù quy mô GDP tăng lên bao nhiêu thì yếu tố quan trọng đối với “túi tiền quốc gia” vẫn là việc phải sử dụng minh bạch, hiệu quả. Ông Cường cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới không bao giờ dự báo được các biến số nội sinh như GDP, lạm phát, hay xuất nhập khẩu… tăng chính xác bao nhiêu, vì vậy khi thảo luận thường đưa ra biên độ. Trong khi đó các biến ngoại sinh như tỷ lệ bội chi, vay nợ… là các biến có thể kiểm soát được, thì cần thực hiện nghiêm khắc.

Còn theo bà Mai Anh - Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, mặc dù Tổng cục Thống kê đã công bố con số chính thức về quy mô tăng thêm của GDP, song đến nay Bộ Tài chính vẫn đang dùng số liệu cũ để lập dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN). Mặc dù vậy, bà Mai Anh cũng cho rằng việc tính lại quy mô GDP không làm thay đổi nhiều mức độ an toàn của các chỉ tiêu tài chính quốc gia. Chẳng hạn chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm được xác định trên tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không phải quy mô GDP. Cùng với đó là các chỉ số quan trọng khác như tỷ lệ lạm phát, tiến trình thực hiện các cam kết quốc tế, dự báo giá dầu…

Bà Mai Anh cũng nhấn mạnh, về chi ngân sách cũng vậy, các năm gần đây Quốc hội siết chặt tỷ lệ bội chi NSNN và khi quyết định thì quyết định bằng cả số tuyệt đối và %/GDP, do đó phải căn cứ nguồn lực kinh tế. Chỉ tiêu về vay nợ cũng vậy, chúng ta phải căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực nền kinh tế, khả năng thu ngân sách, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ phải dưới 25% tổng thu NSNN; hoặc tính thanh khoản thị trường, khả năng trả nợ của ngân sách, hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/nhieu-chi-so-vi-mo-thay-doi-khi-tinh-lai-gdp-6407.html