Nhiều cây xanh lặng lẽ 'lìa đời'

Hàng loạt cây xanh ở TP HCM có dấu hiệu yếu sức, suy kiệt và lặng lẽ chết khô

Mấy ngày gần đây, cây dầu khoảng 100 năm tuổi gần quán ốc trước số nhà 345 Trần Phú (phường 8, quận 5, TP HCM) có dấu hiệu suy kiệt. Suốt 2 tháng nay, thân cây này đang "gánh" khá nhiều dây điện quảng cáo.

Không chịu nổi đô thị hóa

"Đó không phải là trường hợp duy nhất. Dịp Tết vừa qua, các quán ăn, cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cũng đóng đinh, treo bảng hiệu, quấn đèn, rào khung, đổ chất thải xuống gốc cây… khiến chúng nứt nẻ, có dấu hiệu chết dần. Rất xót xa!" - một nhân viên chăm sóc cây xanh của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM phản ánh. Qua công tác kiểm tra sơ bộ, đánh giá có ít nhất 19 cây tại khu vực này đang suy kiệt.

Cây mới trồng trong Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM) bị chết khô (

Cây mới trồng trong Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM) bị chết khô (

Quá trình đô thị hóa, nhiều công trình trên đường Trần Phú (quận 5) xây lấn ra khiến vỉa hè không còn, nhiều cây xanh trên 100 năm tuổi nằm gọn trong nhà dân. Điển hình là một cây dầu khoảng 80 năm tuổi nằm bên trong, mắc kẹt giữa 2 căn nhà 15C và 15D Trần Phú (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Nguyễn Văn Cừ). Mỗi lần nhân viên chăm sóc muốn tưới cây, bón gốc phải bấm chuông xin phép chủ nhà (!?).

Hàng loạt cây xanh trên đường Trần Phú (quận 5) bị nhà dân “bao vây”

Chưa kể nhiều cây xanh bị chết khô, khi đốn hạ phát hiện mùi hóa chất nằm trong đất nhưng tất cả các vụ đều không thể tìm ra thủ phạm. Điển hình 3 cây dầu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), một cổ thụ trên đường Trần Quang Khải (quận 1), hàng loạt cây ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), Điện Biên Phủ, Trần Quang Diệu (quận 3)...

Tiếc nuối nhất có lẽ là hàng chục cây cổ thụ tại Công viên Văn Lang (quận 5) đã chết hoặc suy kiệt sau khi toàn bộ mặt bằng công viên được nâng nền và bê-tông hóa. Cuối năm 2019, UBND quận 5 đã mời các kỹ sư và chuyên gia chăm sóc cây xanh đến chăm sóc nhưng hiện nhiều cổ thụ đã lặng lẽ ra đi, cây mới trồng thì vàng lá và trơ trụi cành.

Vừa qua, báo cáo với Bộ Xây dựng về công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP HCM, UBND TP cho biết hiện trạng vỉa hè trên địa bàn hẹp, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, cáp viễn thông, điện lực) dưới vỉa hè ảnh hưởng rất lớn đến không gian phát triển của hệ rễ cây xanh. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa mạnh, các nhà cao tầng ngày càng nhiều nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh. Đối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước... thường bị lệch tán, nghiêng ra đường và có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão.

Cũng theo báo cáo, tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Chưa có danh mục cổ thụ cần được bảo tồn

Trong khi đó, theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP, tính trung bình mỗi công nhân có trách nhiệm quản lý 1.000 cây xanh (tuần tra, phát hiện hư hại...). Công việc này chỉ đáp ứng phần nào cho việc phát hiện các vấn đề về xâm hại cây xanh và ghi nhận tình trạng có thể nhìn thấy bên ngoài. Việc kiểm tra, chẩn đoán tình trạng bên trong và đánh giá mức độ nguy hiểm của cây vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là đối với phần rễ và thân, cành trên cao. Nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu, thiếu các thiết bị kiểm tra cây xanh.

Hiện nay, danh mục cổ thụ cần được bảo tồn trên địa bàn TP HCM vẫn chưa được ban hành, vì vậy các cây 100 năm tuổi vẫn chưa có quy định để bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều cây mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa và tuổi đời khá lâu nhưng chưa thể công nhận là cây di sản đô thị do chưa có quy định cụ thể.

TS Trần Khánh Hà, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho biết hiện có những con đường không có bóng mát, khi đi lại cảm giác ngột ngạt, khó chịu, điển hình như đường Phan Đăng Lưu, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Phan Văn Trị, Lê Quang Định (quận Gò Vấp)... Một đô thị với hàng triệu phương tiện mà vắng bóng cây xanh dễ xảy ra hiện tượng mù khô và oi bức, căng thẳng. "Chưa nhắc đến giá trị của cây xanh, chỉ cần quan tâm đến thời tiết, môi trường và không khí xung quanh, chúng ta đã thấy thiệt hại rất lớn" - TS Trần Khánh Hà bày tỏ.

Trong khi đó, TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, cho rằng đô thị TP HCM đặc thù sông nước. Từ lâu, các loại cây trên các con đường được quy hoạch phù hợp với khí hậu và nguồn nước. Nếu không tận dụng ưu thế để bảo tồn, phát triển mạng lưới cây xanh sẽ gây ra hậu quả về môi trường.

Theo một số thống kê của UBND TP HCM, cả TP hiện chỉ có khoảng 102.000 cây xanh có đánh số, địa chỉ. Trong khi dân số là 10 triệu người. Tổng diện tích cây xanh so với nhu cầu chỉ đạt 8%. Các công viên là nơi có nhiều cây xanh nhất cũng không quản lý được như kỳ vọng. Chẳng hạn Công viên 23 Tháng 9 trước nay có tới 40% diện tích bị chiếm dụng để làm nhà hàng, dịch vụ.

Sự xuất hiện của quá nhiều tòa nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại nhưng lại thiếu vắng cây xanh, công viên... làm chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị bị suy giảm. Vì vậy, việc gia tăng thêm lượng cây xanh đường phố, mảng xanh công cộng là điều mà người dân TP rất mong mỏi, đặc biệt là khi bước sang mùa nắng nóng.

Cần có quy định khung

Hiện TP HCM chưa có nghiên cứu cụ thể về loài cây trồng trên đường phố phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Thời gian qua, TP có trồng thử nghiệm nhiều loài cây nhưng một số đã bộc lộ những khiếm khuyết. Hiện một số loài cây được trồng tại TP HCM phù hợp với điều kiện khí hậu và có khả năng chống chịu trong mùa mưa bão có thể kể tới: me chua, mặc nưa, bằng lăng, giáng hương lá lớn, gõ mật...

Đối với việc ban hành danh mục cây trồng đường phố, TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, nguyên tắc khung đối với vấn đề này trên cơ sở bảo đảm phù hợp giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đô thị, điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương và thực tiễn lựa chọn loài cây trồng của mỗi địa phương.

Không khó xử hành vi phá hoại cây xanh

Theo luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa quy định rõ các mức xử phạt. Trong khi đó, mạng lưới camera an ninh đang phủ khắp các đường lớn, hẻm nhỏ ở TP HCM. Điều này rất dễ thu thập chứng cứ để xử lý các trường hợp cố tình phá hoại cây xanh.

"Có những gia đình muốn trồng cây lộc vừng trước nhà để mong làm ăn thịnh vượng nên tìm cách đốn hạ cây xanh. Có người thấy cây mọc giữa lối ra vào cản trở cũng xuống tay không thương tiếc. Tất cả hành động đó là vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ cây xanh, xâm hại tài sản nhà nước... Quy định hiện nay có thể xử phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng kèm theo yêu cầu phải khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Luật có, phải áp dụng xử phạt để răn đe" - luật sư Nguyễn Anh Minh bày tỏ.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Anh Minh cho rằng những năm gần đây, việc phát triển cây xanh đô thị cũng đã được xã hội hóa mạnh, đa dạng thành phần tham gia đầu tư kinh doanh. Việc cắt tỉa, chặt cây, bán gỗ, đầu tư cây trồng... rất dễ bị lợi dụng, gây thất thoát... Do đó, các hoạt động liên quan đến phát triển cây xanh cần được công khai, minh bạch trên hệ thống thông tin truyền thông. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng đòi hỏi chặt hạ cây xanh cần phải được xem xét, cân nhắc thận trọng. Cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trồng và bảo vệ cây xanh ở cả khu vực công cộng lẫn trong khuôn viên mỗi nhà. Càng nhiều mảng xanh nhỏ góp lại, bức tranh tổng thể tại TP sẽ ngày càng xanh tươi, sạch đẹp, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài và ảnh: Lê Phong

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-cay-xanh-lang-le-lia-doi-20200216204011177.htm