Nhiều cầu thủ Việt gặt hái thành công khi xuất ngoại

Nhiều cầu thủ Việt Nam thất bại, nhưng không ít trường hợp đặt dấu ấn và thành công nhất định khi ra nước ngoài thi đấu.

Công Phượng chuẩn bị có lần thứ 3 xuất ngoại trong sự nghiệp, và đội bóng được chọn là Sint-Truidense tại giải vô địch quốc gia Bỉ.

Trong quá khứ, nhiều cầu thủ Việt không để lại dấu ấn ở xứ người, nhưng không ít người được trải thảm đỏ với hàng loạt đãi ngộ và những lời hứa hẹn.

Xuân Trường không thành công tại Buriram United ở Thai League. Ảnh: Quang Thịnh.

Xuân Trường không thành công tại Buriram United ở Thai League. Ảnh: Quang Thịnh.

Thất bại vì trèo quá cao?

Xuân Trường từng khoác áo 3 CLB nước ngoài (Incheon United, Gangwon FC và Buriram United), và tiền vệ người Tuyên Quang đều thất bại trong việc tìm chỗ đứng ở môi trường mới.

Cùng thời điểm Xuân Trường tới Incheon, Công Phượng cũng được gửi sang Nhật Bản khoác áo Mito Hollyhock. Kết quả là anh ra sân 5 lần với tổng cộng 80 phút trong mùa giải 2015.

Khi đó, bầu Đức cũng để Tuấn Anh tới Yokohama, nhưng mục đích là điều trị và phục hồi chấn thương. Thực sự là khó để nói tiền vệ người Thái Bình thất bại trong lần xuất ngoại đầu tiên của mình.

Một trường hợp khác của HAGL, hậu vệ Lê Đức Lương từng có 2 tuần thử việc tại giải hạng 2 Hàn Quốc (K.League Challenge) trong màu áo CLB Ansan Greeners hồi cuối năm 2016.

Tuy nhiên, HLV Lee Heung-sil đã từ chối cầu thủ đến từ Việt Nam. "Tôi không muốn tuyển cầu thủ Việt Nam. Mục tiêu của tôi là tìm kiếm trung vệ để hoàn thiện đội hình vào tháng 1/2017", ông cho biết trong cuộc phỏng vấn trên tờ News1.

Đức Lương bị đánh giá xử lý bóng chậm, trong khi xu hướng của bóng đá Hàn Quốc thường áp sát nhanh. Một điểm trừ khác là ông Lee muốn bổ sung trung vệ, nhưng Đức Lương sở trường đá hậu vệ cánh trái.

Không phải tới lúc lứa đầu của học viện HAGL JMG ra mắt, cầu thủ Việt Nam mới có cơ hội ra nước ngoài. Khi còn thi đấu, Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt đầu tiên xuất ngoại. Ông có 4 tháng chơi cho CLB Chongquin Lifan hồi năm 2001 với 4 trận vào sân và chỉ có một bàn thắng.

Những lần Công Vinh hay Việt Thắng sang châu Âu, dù thi đấu ở những đội hạng thấp, đều không để lại nhiều dấu ấn. Thực chất là họ được đưa đi để học việc, tập huấn là chính.

Hầu hết họ đều chọn môi trường, đội bóng chất lượng hơn tại thời điểm xuất ngoại hoặc có định hướng không đúng trong quyết định của mình. Bởi vậy, họ không thành công có thể coi bởi "trèo cao ngã đau".

Đặng Văn Lâm đang chơi thành công tại Muangthong United. Ảnh: Quang Thịnh.

Vẫn có những người thành công

Khác với nhóm cầu thủ kể trên, nhiều trường hợp cầu thủ Việt gây tiếng vang và thành công khi ra nước ngoài thi đấu.

Cũng là người của HAGL, Nguyễn Hữu Anh Tài được cho là sang giải hạng 5 Hàn Quốc (K3 League Basic) khoác áo CLB Uijeongbu. Hậu vệ sinh năm 1996 có mùa giải thành công khi thiếu chút nữa thăng hạng cùng đội bóng xứ sở kim chi.

Một năm sau sự xuất hiện của Anh Tài, cầu thủ Việt khác là Nguyễn Hữu Khôi cũng thi đấu tại giải hạng thấp của bóng đá Hàn Quốc. Anh cùng Siheung City FC của Hàn Quốc vô địch K3 League Basic.

Anh được sắp xếp chơi lệch cánh, dù sở trường đá trung phong. Sau 19 trận, Hữu Khôi có 5 bàn thắng, chỉ kém cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của đội một lần lập công. Kết thúc mùa giải, Siheung City vô địch với 46 điểm, nhiều hơn đội á quân 6 điểm.

Không chọn Hàn Quốc làm điểm đến, một vài người ở lại khu vực Đông Nam Á và có thể nói đó là quyết định sáng suốt.

Mùa giải 2015, Nguyễn Xuân Nam khoác áo SHB Vientiane tại Lao League. Anh cùng đội bóng thủ đô nước láng giềng thi đấu tốt và cạnh tranh ngôi vô địch. Cá nhân anh được đề cử danh hiệu cầu thủ hay nhất giải.

Thậm chí, Xuân Nam được Liên đoàn Bóng đá Lào đề nghị nhập tịch và đảm bảo suất đá chính tại đội tuyển quốc gia nước này. Tuy vậy, tiền đạo gốc Hải Dương quyết định trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội từ mùa giải 2016.

Cũng nhận lời đề nghị nhập tịch giống Xuân Nam là hậu vệ Diệp Hoài Xuân. Cầu thủ sang Campuchia thi đấu và nhanh chóng gây ấn tượng nhờ chiều cao 1,84 m.

Lãnh đạo CLB Kirivong Sok Sen Che (Phnom Penh) đề nghị Hoài Xuân nhập quốc tịch Campuchia với tên Ream Serng để thi đấu với tư cách nội binh. Anh được trao băng đội trưởng và hưởng lương cao nhất đội. Mùa giải 2015, cầu thủ trưởng thành từ lò Đồng Tháp giúp đội nhà trụ hạng thành công, trước khi trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Sau 2 năm không được trọng dụng tại V.League, Diệp Hoài Xuân quyết định trở lại Campuchia khoác áo CLB Kirivong. Anh bày tỏ hy vọng sẽ được khoác áo tuyển Campuchia đối đầu Việt Nam trong thời gian sớm.

Thực sự là thiếu sót nếu không nhắc đến Đặng Văn Lâm. Thủ môn Việt kiều phá kỷ lục chuyển nhượng cho cầu thủ Việt Nam. Anh là người đầu tiên được đội bóng nước ngoài bỏ ra số tiền 500.000 USD để chiêu mộ từ CLB Hải Phòng.

Ngay mùa giải đầu tiên, Văn Lâm trở thành sự lựa chọn số một trong khung gỗ của Muangthong United. Thủ thành đội tuyển Việt Nam thi đấu trọn vẹn 17 trận tại Thai League và được giới chuyên môn đánh giá cao dù thành tích của đội bóng này không quá tốt.

Văn Lâm ăn mừng trận thắng thứ 3 liên tiếp của Muangthong Tối 7/7, Đặng Văn Lâm chơi nỗ lực trong khung gỗ của Muangthong United, góp phần giúp đội nhà thắng trận thứ 3 liên tiếp tại Thai League.

Đỗ Hải

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-cau-thu-viet-gat-hai-thanh-cong-khi-xuat-ngoai-post965282.html