Nhiều câu hỏi xung quanh vụ phá rừng nghiêm trọng ở Phú Yên

Một vụ phá rừng nghiêm trọng khởi phát từ giữa tháng 2-2020 ở địa phận tiếp giáp hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, do nhiều đối tượng lâm tặc cấu kết tổ chức, có sự can thiệp, hỗ trợ của xe cơ giới chuyên dụng mở đường, máy cưa đốn hạ, cưa xẻ cây rừng, xe ôtô vận chuyển gỗ đến nơi cất giấu để tiêu thụ… Thế nhưng mãi đến đầu tháng 4-2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh và huyện Tây Hòa mới phát hiện…

Tan hoang rừng đầu nguồn

Hàng trăm cây gỗ đã bị đốn hạ tại ba khoảnh rừng tự nhiên, như đang thách thức lực lượng kiểm lâm cùng nhân viên bảo vệ rừng phòng hộ và cán bộ có chức trách ở địa phương.

Do tính chất và hậu quả vụ phá rừng rất nghiêm trọng nên Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy: Vị trí thứ nhất tại khoảnh 2, tiểu khu 312 ở xã Sông Hinh do Ban Quản lý rừng huyện Sông Hinh quản lý và bảo vệ, lâm tặc khai phá con đường rộng 3m, dài 700m để đốn hạ 115 cây gỗ có đường kính từ 26-100cm; tại hiện trường còn lại 60 khúc gỗ tròn và 1 súc gỗ xẻ hộp, gồm 27,524m³. Vị trí thứ hai tại khoảnh 7 và khoảnh 10, tiểu khu 358 ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây do UBND xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa quản lý và bảo vệ, lâm tặc khai phá con đường rộng 3m, dài 690m để đốn hạ 25 cây gỗ có đường kính từ 19-68 cm, tại hiện trường còn lại 8 khúc gỗ tròn gồm 1,390m³.

Công bố lệnh bắt bị can Trần Quang Hưng, Hà Lưu Đạt, Trương Thái Vương.

Công bố lệnh bắt bị can Trần Quang Hưng, Hà Lưu Đạt, Trương Thái Vương.

Ngày 12-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, đồng thời xác lập chuyên án truy xét do Thượng tá Trà Trọng Phú – Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, làm Trưởng ban.

Sau hơn ba tháng điều tra, cuối tháng 8-2020, Ban Chuyên án đã xác định hai kẻ chủ mưu phá rừng đầu tiên và một đối tượng đảm trách san ủi, mở đường từ cửa rừng vào hiện trường để đốn hạ, cưa xẻ gỗ. Ngày 28-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Hoài Linh, biệt danh Linh Lực Quắn (SN 1979) trú ở thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành Đông; Trần Văn Tấn, biệt danh là Kẹo (SN 1980) trú ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa và Trương Thái Vương (SN 1988) trú ở thôn Nam Bình 2, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”.

Vết tích những cây gỗ đã bị đốn hạ.

Dễ dàng qua mắt kiểm lâm và chính quyền địa phương

Khi bị bắt, Linh và Tấn khai nhận là hai trong số những kẻ tổ chức phá rừng, nhưng đến lúc cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp tên tuổi đồng phạm thì hai bị can này lại tìm cách né tránh.

Tổ công tác của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên nhiều lần trở lại tiểu khu 312 ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh và tiểu khu 358 ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Những ngày đầu tháng 9-2020, khi mở rộng hiện trường vụ phá rừng, các điều tra viên bất ngờ phát hiện thêm một vụ phá rừng “khủng” hơn nằm hiện trường phá rừng tại khoảnh 7 và khoảnh 10, tiểu khu 358 khoảng chừng 40m. Ở đó, lâm tặc khai phá con đường từ bên ngoài đi sâu vào rừng tự nhiên với chiều rộng 3m, dài gần 1.000m để tổ chức đốn hạ 195 cây gỗ lớn, tại hiện trường vẫn còn lại hơn 100m³ gỗ còn cất giấu, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng.Những hình ảnh ghi lại được tại vị trí phá rừng thứ ba được các điều tra viên sử dụng để đấu tranh, kết hợp cảm hóa ba bị can Linh, Tấn, Vương khai nhận hành vi phạm tội và tên tuổi đồng phạm còn che giấu.

Hiện trường vụ phá rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý và bảo vệ.

Ngày 28-9, đối tượng tham gia tổ chức phá rừng tại vị trí thứ ba đã bị khởi tố, bắt tạm giam là bị can Nguyễn Rạng, biệt danh Tèo Rạng (SN 1975) trú ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.

Ngày 3-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên ra lệnh bắt tạm giam Trần Quang Hưng, biệt danh Kim Em (SN 1983) trú ở khu phố Mỹ Lệ Đông, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa; Nguyễn Hoài Hiếu (SN 1986) trú ở thôn Tân Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh và Hà Lưu Đạt (SN 1973) đăng ký nhân khẩu thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, tạm trú tại thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.

Đến thời điểm đó, Nguyễn Hoài Linh, Trần Văn Tấn và Nguyễn Rạng mới khai nhận hành vi tổ chức phá rừng, cung cấp nhiên liệu cho Trương Thái Vương vận hành xe cơ giới chuyên dụng san ủi, khai phá ba con đường vào rừng. Chúng còn huy động nhân lực, máy cưa đốn hạ những cây gỗ có đường kính lớn rồi xẻ gỗ ván, gỗ hộp cẩu kéo ra cửa rừng giao cho Trần Quang Hưng điều khiển xe ôtô tải biển kiểm soát 78K-011.16 vận chuyển đến xưởng gỗ của em ruột Nguyễn Hoài Linh là Nguyễn Hoài Hiếu ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh và xưởng gỗ của Hà Lưu Đạt ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa để tiêu thu.

Các đối tượng phá rừng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tuy nhiên, hàng loạt câu hỏi được dư luận ở địa phương đặt ra. Vì sao lâm tặc ngang nhiên thuê xe cơ giới san ủi, khai phá đường rồi huy động nhân lực vào rừng đốn hạ cây gỗ bằng máy cưa cả ngày lẫn đêm trong thời gian gần hai tháng trời nhưng UBND xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa và Ban Quản lý rừng Sông Hinh không phát hiện ra? Bằng cách nào lâm tặc “vượt mặt” kiểm lâm trong hành trình vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra đến đường lộ cho tới xưởng cưa và những nơi cất giấu, tiêu thụ ở khác? Vì sao khi kiểm tra hiện trường vị trí phá rừng thứ hai tại khoảnh 7, khoảnh 10 trong tiểu khu 358 thuộc địa phận xã Sơn Thành Tây, Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa và UBND xã Sơn Thành Tây không phát hiện vụ đốn hạ hàng loạt cây gỗ với tính chất và hậu quả nghiêm trọng hơn ở cách đó khoảng 40m?

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đang tập trung mở rộng điều tra vụ án để làm rõ những câu hỏi nêu trên, làm rõ vai trò, hành vi của các đối tượng có liên quan.

Sau khi vụ phá rừng ở địa phận giáp ranh hai huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh phát lộ thì tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) xảy ra một vụ phá rừng khác trong tháng 7 và đầu tháng 8-2020. Giữa lúc các cơ quan chức năng đang thẩm định hồ sơ để tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân phê duyệt phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, phát triển và bảo vệ rừng, thì một số đối tượng ngang nhiên phát dọn, lấn chiếm 53,64ha đất rừng trái pháp luật tại tiểu khu 6 ở xã Phú Mỡ. Trong đó có 10,15ha đất rừng phòng hộ gồm cây gỗ tự nhiên tái sinh, 26,97ha đất trống cây bụi, nương rẫy cũ và 16,52ha đất có cây rừng trồng.

Hữu Toàn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhieu-cau-hoi-xung-quanh-vu-pha-rung-nghiem-trong-o-phu-yen-621890/