Nhiều câu hỏi trong vụ tai biến y khoa khiến 8 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình

Ngày làm việc thứ tư của phiên sơ thẩm xét xử vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong vẫn tiếp tục nóng và gay cấn tại phần đối chất giữa bị cáo, người liên quan và cả điều tra viên...

Các bị cáo Sơn, Lương và Quốc

Trong ngày xét xử sơ thẩm thứ tư, ngay đầu buổi sáng 18-5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân tử vong) đã công bố số nạn nhân là 9. Sau khi luật sư Nguyễn Hoàng Trung công bố thông tin trên, HĐXX đã chấp nhận nạn nhân thứ 9 trong vụ án chạy thận và cho luật sư Trung hỏi các bị cáo. Tuy nhiên, danh tính nạn nhân thứ 9 chưa được công bố.

“Nhân bản” lời khai

Tại phiên xử, bị cáo Hoàng Công Lương (nguyên Bác sỹ khoa Hồi sức tích cực) và bà Đỗ Thị Điệp (điều dưỡng viên Khoa hồi sức tích cực) của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã đối chất với điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa.

Trước HĐXX, bị cáo Hoàng Công Lương phản ánh điều tra viên đã đưa lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu (tại thời điểm xảy ra vụ việc là Trưởng khoa hồi sức tích cực và hiện là Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) để bị cáo khai giống.

Luật sư Nguyễn Chiến tham gia bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng, khi xem xét hồ sơ, nhận thấy lời khai của bị cáo Lương và của ông Hoàng Đình Khiếu trong phần phân công nhiệm vụ tại buổi họp cuối năm 2015 có 2 đoạn khá giống nhau.

Do vậy, Luật sư Nguyễn Chiến đã đặt câu hỏi với Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về sự tương đối trùng hợp này. Trả lời luật sư, Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa khẳng định, việc lấy lời khai của các bị cáo được hỏi cung theo đúng quy định pháp luật, không chuyển bất cứ tài liệu nào cho bị cáo Hoàng Công Lương trước khi lấy lời khai.

Tiếp tục làm rõ nội dung các lời khai giống nhau, Luật sư Nguyễn Chiến yêu cầu thẩm vấn điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp. Trước tòa bà Điệp cho biết trước khi ghi biên bản, đã được Điều tra viên cho xem điện thoại có ảnh chụp sổ giao ban buổi họp cuối năm, nên đã khai theo sổ rằng bác sĩ Hoàng Công Lương được phân công nhiệm vụ tại Đơn nguyên thận nhân tạo.

Trước đó, bà Điệp khai chỉ tham gia phần bình xét đầu buổi họp, còn nội dung phân công nhiệm vụ thì bà Điệp không rõ.Tuy nhiên, tại phần đối chất với bà Điệp, Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa vẫn khẳng định: "Đây chỉ là ý kiến riêng của chị Điệp, cá nhân tôi vẫn giữ nguyên quan điểm. Các vấn đề liên quan đã thể hiện rõ trong hồ sơ và không giải thích gì thêm”.

Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện này thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010.

Phiên xử bước sang ngày làm việc thứ 4 và càng "nóng" khi HĐXX cho các bị cáo đối chất

“Bí mật” của hợp đồng liên kết

Tuy nhiên, thời điểm đó, bản thân ông cũng không được ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) thông báo gì về các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn liên quan tới nội dung thiết bị chữa bệnh.

Từ việc xã hội hóa trang thiết bị khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho thấy, khi ký hợp đồng hợp tác, Giám đốc bệnh viện là người ký hợp đồng xã hội hóa nhưng từ Phó giám đốc bệnh viện, rồi xuống tới bác sĩ điều trị đều không nắm rõ được nội dung hợp đồng sử dụng các thiết bị liên quan tới sinh mạng con người này.

Trong thực hiện hợp đồng, tính chuyên nghiệp hóa cao độ theo "nguyên tắc" việc ai người làm đã để lại hậu quả đau lòng xảy ra sự cố tai biến y khoa, khiến 8 bệnh nhân chạy thận đã tử vong.

Cũng xuất phát từ những quy định, “nguyên tắc” này, bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng, nhiệm vụ của bác sĩ này là không phải theo dõi quá trình, kết quả sửa chữa máy, mà là nhận máy từ bộ phận vật tư để từ đó đưa vào chạy thận, thì sự “bí mật” của hợp đồng liên kết kinh doanh máy chạy thận thực tế đã trở thành nguyên nhân đầu tiên gây nên cái chết của 8 bệnh nhân là có cơ sở.

Điều trớ trêu, khi vụ án xảy ra, với vai trò là người có trách nhiệm cao nhất tại bệnh viện nhưng ông Trương Quý Dương không hề liên lụy.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương khai rằng, bị cáo chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm về việc quản lý đơn nguyên thận nhân tạo. Trong tư cách bác sĩ cứu người, bị cáo đã thực hiện đúng quy định bệnh viện, quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế.

Bị cáo Lương cho rằng, liên quan tới sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO trong quá trình sửa chữa gây nên cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận không thuộc trách nhiệm của kíp y bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo.

Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/nhieu-cau-hoi-trong-vu-tai-bien-y-khoa-khien-8-nguoi-chay-than-tu-vong-o-hoa-binh/768236.antd