Nhiều cán bộ về hưu tự nhiên có biệt phủ nguy nga

Một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó...

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi chiều 9/11, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cần giữ nguyên diện đối tượng phải kê khai như hiện hành hoặc thu hẹp vào nhóm cán bộ cấp cao.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: TTO

Ông Hiểu giải thích, trong khảo sát, lập bản đồ cảm nhận tham nhũng, yếu tố thường được quan tâm là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có chuyện, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ!

Một vấn đề nữa cũng được vị đại biểu đề cập là quy định chỉ buộc phải kê khai với con cái chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, trong khi con đã thành niên lại có rất nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai.

Do đó, việc mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng mong muốn có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu như một giải pháp để ngăn chặn, tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ. Bởi thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ về hưu rồi tự nhiên xuất hiện biệt phủ nguy nga.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cũng cho rằng, buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu.

Dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh, TPHCM mà dư luận nêu vấn đề gần đây, ông Trí bình luận: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Tài sản bất minh - tịch thu, sung công quỹ ngay

Liên quan tới vấn đề kê khai, công khai tài sản, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề về việc công khai tài sản kê khai.

Theo ông Lợi, nếu công khai ở cơ quan nơi làm việc và công khai nơi cư trú, dân rất yên tâm. Nhưng nếu chỉ quy định công khai ở chi bộ Đảng thì quá bằng giấu kín đi.

“Trong chi bộ đâu có kiểm soát nhau, không ai chê ai cả đâu. Nhưng đằng sau thì lại thì thào những điều không hay. Do đó, công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc là phù hợp. Càng giấu, càng không công khai minh bạch thì “càng chết”, như “bồ nhí” càng giấu người ta càng tìm”, ông Lợi nói.

Đề nghị không tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất phải có cơ chế xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu “buôn chổi đót”, lái xe ôm có tiền tỷ thì cũng phải giải trình được một cách rõ ràng, còn không giải trình được thì phải xử lý.

"Ở các nước tài sản không giải trình được nguồn gốc là bị thu giữ và xung công quỹ ngay. Cái này là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không thì sẽ không thể thu hồi được tài sản tham nhũng”, ông Nghĩa nói.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhieu-can-bo-ve-huu-tu-nhien-co-biet-phu-nguy-nga-3346853/