Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được, xử lý thế nào?

Trước thực tế nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã trình ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Sáng nay, 10-9, tại phiên họp thứ 27, UBTVQH đã cho ý kiến lần 3 vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Thay mặt cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện chỉ còn quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) trong dự luật vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Cụ thể, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (Phương án 1 của dự thảo Luật).

Nhiều ý kiến ĐBQH khác lại tán thành với phương án tạm coi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2 của dự thảo Luật).

Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị một số phương án khác như: Xử phạt hành chính ở mức cao đối với hành vi không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; giữ quy định Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành…

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan trình dự án xin ý kiến UBTVQH về 2 phương án là: xử lý qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án và phương án thu thuế thu nhập cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến vào nội dung này tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cùng quan điểm đồng tình với phương án xử lý tài sản bất minh thông qua quy trình tố tụng tại tòa vì thể hiện được nguyên tắc, đã là tài sản tham nhũng thì phải tịch thu toàn bộ.

Tuy vậy, theo các đại biểu này, nếu chọn phương án này thì cũng còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của quy định bởi khả năng đơn thư, tố cáo về vấn đề tài sản của cán bộ tăng sẽ còn tăng hơn nữa, khó có khả năng xử lý hết được.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị chọn phương án xử lý theo hướng đánh thuế với phần tài sản cán bộ không giải trình được về nguồn gốc.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc kê khai tài sản chính là căn cứ để thu thuế, còn người nào không kê khai thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế. Do đó, nếu thực hiện theo phương án này là theo đúng luật hiện hành, không phải sửa hay xây dựng thêm quy định xử lý thông qua tố tụng, hành chính, đưa sang tòa, sang Viện Kiểm sát nữa.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, thực tế thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ có tài sản rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào để xử lý với tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai không giải thích hợp lý về nguồn gốc, trong khi đó không loại trừ những loại tài sản này là bất hợp pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập, tài sản, phòng chống tham nhũng. Cho rằng cả 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự thảo luật đưa ra đều có ưu, nhược điểm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-can-bo-co-tai-san-rat-lon-ma-khong-giai-trinh-duoc-xu-ly-the-nao/781324.antd