Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Nghệ An là một trong những tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhiều nhất cả nước và vượt chỉ tiêu đề ra: Xây dựng được 225 xã và 3 huyện NTM; cuối năm nay, huyện Yên Thành sẽ đạt huyện NTM và 35 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, nâng tổng số huyện NTM của tỉnh là 4 huyện và số xã NTM là 260 xã, chiếm 61,5%. Thành công trong xây dựng NTM ở Nghệ An có được từ những cách làm hay và sáng tạo đáng ghi nhận.

Do đặc thù tỉnh có tới 11 huyện, thị xã miền núi với nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, việc xây dựng NTM theo đơn vị xã là vô cùng khó nên tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng thôn, bản NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi giai đoạn 2017-2020 với bộ tiêu chí phù hợp. Việc ban hành bộ tiêu chí và triển khai cho các xã miền núi thực hiện xây dựng thôn, bản NTM được nhân dân đồng tình hưởng ứng và bước đầu phát huy hiệu quả. Ở nhiều thôn, bản miền núi, người dân chủ động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ), xã Mường Nọc (Quế Phong)...; hay làm tốt xây dựng NTM gắn với du lịch cộng đồng (homestay), giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng như xã Yên Khê (Con Cuông), xã Châu Tiến (Quỳ Châu), xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ)... Người dân cũng chủ động trong việc chỉnh trang nhà cửa, trồng cây xanh quanh nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường, không nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà, xây dựng hố tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh thôn, bản sạch sẽ… Nhờ vậy đến nay, 11 huyện, thị xã miền núi đã xây dựng được hơn 670 thôn, bản NTM, trong đó có 570 thôn, bản được công nhận NTM. Đây thực sự là những điển hình tốt để nhân rộng trong địa bàn miền núi của tỉnh và góp phần tích cực để toàn tỉnh có được 4 xã NTM thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới và 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác tuyên truyền xây dựng NTM được thực hiện bằng rất nhiều hình thức, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp dân, họp đoàn thể, nhiều địa phương còn tuyên truyền trực tiếp đến một số đối tượng chưa thông suốt... Toàn tỉnh có hơn 760 mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, có tính nhân rộng. Điển hình là mô hình sản xuất rau màu có ứng dụng công nghệ tại xã Nam Anh, Nam Xuân; trồng cây ăn quả sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại Nam Lộc, Nam Thanh; nuôi dê sinh sản tại các xã: Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thượng, Nam Lộc, Nam Thanh, mô hình nuôi gà ác liên kết tại Nam Nghĩa (Nam Đàn); mô hình sản xuất rau, củ, quả nhà lưới tại các huyện: Nam Đàn, Đô Lương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, TP Vinh; mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm gà của huyện Thanh Chương; sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Nghi Lộc; nuôi lợn đen tại huyện Quế Phong; nuôi bò sinh sản ở huyện Con Cuông, nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm tại huyện Yên Thành; xây dựng vườn chuẩn tại xã Kim Liên (Nam Đàn), xã Trung Sơn (Đô Lương)…

Thực tế ở Nghệ An cho thấy, sự đóng góp từ công lao động, tiền bạc, hiến đất… của cộng đồng trong xây dựng NTM là rất lớn. Nhiều gia đình tình nguyện chặt cây, tháo dỡ các công trình, hiến cả trăm mét vuông đất để đường làng được rộng hơn, đẹp hơn; nhiều địa phương người dân hiến cả nghìn mét vuông đất và nhân dân toàn tỉnh hiến tới gần 7.000.000m2 để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, người dân còn góp tới 9.200 tỷ đồng (bằng 16,42% tổng vốn huy động từ các nguồn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2019) để xây dựng các công trình NTM. Ông Vi Viết Kiều, Chủ tịch UBND xã Tam Thái (Tương Dương), cho biết: “Dù là xã nghèo 30a nhưng vì dân hiểu, dân đồng tình hưởng ứng nên chúng tôi đã đạt chuẩn NTM”. Lúc đầu một số cán bộ, đảng viên và nhân dân không ủng hộ, vì nghĩ đạt NTM sẽ mất các chương trình hỗ trợ; trong khi nội lực của dân cũng không có. Vừa tuyên truyền, vận động, vừa đưa một số cán bộ tham khảo thực tế các mô hình của xã bạn, đồng thời tập trung xây dựng mô hình nhỏ ngay tại địa phương, sau khi được mắt thấy, tai nghe, nhận thức được hoàn thành NTM tức là sẽ xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển ổn định lâu dài, những người còn phân vân đã sáng tỏ, đồng tình.

Tất cả các ngành, các đoàn thể, tổ chức, các thành phần ở nông thôn và từng huyện, xã, thậm chí từng thôn, bản đều có những chương trình hành động NTM; sau mỗi giai đoạn đều có sơ kết, tổng kết để kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế. Mỗi đoàn thể đều gắn các chương trình, nội dung hoạt động với xây dựng NTM, như: Hội phụ nữ gắn mục tiêu xây dựng NTM với các nội dung của Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (5 không: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường), góp phần thực hiện tới 11/19 tiêu chí của NTM; Đoàn Thanh niên gắn với các nội dung “Thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế”, “Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường”; Hội Nông dân chuyên tâm xây dựng, chỉnh trang vườn mẫu; Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn hoạt động có hiệu quả các tổ tự quản cộng đồng... Mỗi tổ chức, đoàn thể ở các cấp trong tỉnh đều đảm nhận những phần việc phù hợp, góp phần hoàn thành các tiêu chí chung của NTM.

Dù còn những hạn chế, khiếm khuyết nhưng có thể khẳng định, 10 năm xây dựng NTM ở Nghệ An đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Bình quân thu nhập đầu người/năm của tỉnh đạt 28,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 4%. Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, kết quả đó mới chỉ là bước đầu nên không được thỏa mãn mà phải tiếp tục phấn đấu để đạt những kết quả cao hơn.

THÚY HOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-cach-lam-hay-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-nghe-an-609970