Nhiều bức xúc của cử tri chưa được giải quyết

Ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội...

Đề nghị công khai về sách giáo khoa
Thông tin về việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, với 2.114 kiến nghị của cử tri, 100% đã được xem xét, giải quyết, trả lời. Trong đó, 79,79% được trả lời ở dạng giải trình hoặc cung cấp thông tin về nội dung của các văn bản pháp luật; số kiến nghị được xem xét giải quyết đạt 5,14%; còn lại 302 kiến nghị đang tiếp tục được nghiên cứu để giải quyết (chiếm 15,07%).

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày các báo cáo. Ảnh: TTXVN

Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, sử dụng lãng phí sách giáo khoa (SGK)... là những vấn đề được cử tri phản ánh hầu hết ở các đợt tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả. Những hiện tượng tiêu cực ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi; tiếp tục gây bức xúc trong xã hội.
Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện kiến nghị cần quan tâm giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đảm bảo tính ổn định, thống nhất như vấn đề đổi mới hình thức thi, tuyển sinh, đổi mới cách dạy và học, thí điểm mô hình giáo dục mới... vì các vấn đề liên quan đến giáo dục có phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

Cùng ngày, trước khi bế mạc phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác nhân sự; việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Binh Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, cử tri đánh giá cao việc triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tuy nhiên cử tri cho rằng, việc xuất bản, phát hành SGK còn bất cập dẫn đến tình trạng thiếu SGK đầu năm học; phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần gây lãng phí cho xã hội. Do đó, MTTQ đề nghị Bộ GD&ĐT có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến SGK, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản SGK, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri
Trong các kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6 được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổng hợp, cử tri tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng… Tuy nhiên, cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm; các vi phạm trong sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường… Trong đó có những vấn đề đã nhiều lần được cử tri đề cập tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét, qua nhiều kỳ tổng hợp, có thể các kiến nghị thường chỉ tập trung vào một số bộ, ngành. Điểm tên những cơ quan nhận nhiều kiến nghị của cử tri là Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT…, ông Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề: Các ý kiến lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ là vì các cơ quan chưa mổ xẻ được lý do chưa có giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Cần tìm ra được nguyên nhân, nhất là về chính sách pháp luật mới có điều kiện để giải quyết, giảm dần bức xúc của cử tri.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng có một vấn đề nổi lên cần tập trung tháo gỡ, trước hết là về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Đi tiếp xúc cử tri, nói thật là cần nhìn thẳng vào mắt người dân và nhìn vào trái tim mình vì qua nhiều năm mà thấy trước mắt người dân còn đầy rẫy khó khăn” – ông Nguyễn Văn Giàu nói. Đồng thời dẫn chứng, ngành nông nghiệp năm qua mức tăng cao nhất trong 10 năm nhưng thực chất so với các lĩnh vực khác, vẫn đang tụt hậu quá xa, đời sống người nông dân chưa cải thiện nhiều. Vì vậy, cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đầu tư hạ tầng để làm sao tạo sức hút phát triển các vùng nông nghiệp.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhieu-buc-xuc-cua-cu-tri-chua-duoc-giai-quyet-327709.html