Nhiều bộ ngành ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu

Bộ Ngoại giao khẳng định, 1 trong những chính sách mới nổi bật nhất của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là bãi bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và được thay thế bởi hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ hơn lộ trình thực hiện với người chưa có số định danh.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các bộ ngành, địa phương nhất là việc sẽ xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thay thế bằng số định danh cá nhân.

Nhiều bộ ngành ủng hộ việc xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Nhiều bộ ngành ủng hộ việc xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trong đó, Bộ Ngoại giao khẳng định, một trong những chính sách mới nổi bật nhất của dự án luật là bãi bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú; thay thế bởi hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

“Đây là một chính sách lớn, có tác động không chỉ trong phạm vi lĩnh vực cư trú mà còn có tác động đến thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực khác (dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, công chứng....). Vì vậy đề nghị cân nhắc bổ sung đánh giá tác động rộng hơn của chính sách này và đề xuất các giải pháp nhằm củng cố tính khả thi của chính sách này”- Bộ này nêu quan điểm.

Qua rà soát sơ bộ, Bộ Ngoại giao thấy rằng các chính sách sửa đổi trong dự án Luật, cơ bản không trái với các quy định của Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, các điều ước quốc tế song phương Việt Nam ký kết về quản lý biên giới với các nước có chung đường biên giới trên bộ.

Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh mục tiêu, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật do việc quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân, không còn hình thức sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nữa. Điều đó dẫn đến việc bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú như: tách sổ hộ khẩu, cấp mới, cấp lại, điều chỉnh sổ hộ khẩu, cấp mới, cấp lại, điều chỉnh sổ tạm trú, xóa đăng ký thường trú...

Đồng thời cần bổ sung chính sách về trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú vì dự thảo hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.

Đánh giá giải pháp “thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú” (phương án được Bộ Công an lựa chọn) đã thể hiện tương đối rõ ràng, Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn về lộ trình thực hiện đối với người chưa có số định danh cá nhân.

Còn Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nguyên tắc về việc ưu tiên thực hiện các thủ tục liên quan đến cư trú bằng phương thức điện tử và nêu lý do đối với quy định khác biệt giữa việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội và các thành phố thuộc Trung ương.

Gửi góp ý về dự án luật này, UBND tỉnh Bến Tre đánh giá, báo cáo của Bộ Công an đã nêu ra những tác động của tình hình an ninh, chính trị trong và ngoài nước, diễn biến của tình hình tội phạm, đặt ra yêu cầu, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên báo cáo chưa làm rõ những dự báo về tình hình trên sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý hành chính nhất là về cư trú, di biến động của người dân, để qua đó thấy được sự cần thiết phải sửa đối Luật Cư trú nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này và góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự.

Tiếp thu những góp ý trên, Bộ Công an khẳng định sẽ chỉnh lý dự thảo luật theo hướng thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn.

Tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm

Theo tính toán của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.

Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).

“Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”- Bộ Công an khẳng định.

Thế Kha - Theo Dân trí

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nhieu-bo-nganh-ung-ho-viec-bo-so-ho-khau-d80869.html