Nhiều biện pháp để ngăn chặn 'xé rào' tuyển sinh, đã đủ sức răn đe?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo Nghị định, các vi phạm về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng. Với mùa tuyển sinh năm 2021, nếu trường nào vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định này.

Đã có mức phạt hành chính cụ thể

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Chính phủ vừa ban hành, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3-2021.

Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt từ 10 đến 100 triệu đồng đối với hành vi tuyển sai người học. Nghị định cũng quy định, phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh với mức phạt tối đa 100 triệu đồng. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động tuyển sinh và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại cho người học số tiền đã thu…

Như vậy, nếu trường nào vi phạm bị phát hiện trong mùa tuyển sinh 2021 sẽ bị xử lý theo các mức phạt đã quy định cụ thể trong Nghị định.

Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm tuyển sinh là cần thiết, nhưng mức phạt cao nhất 100 triệu đã đủ sức răn đe? Bởi, với phần lớn các trường công lập bình thường thì mức phạt đó là vừa, nhưng với các trường tư có học phí cao thì mức phạt 100 triệu đồng chỉ tương đương học phí của 2 sinh viên/năm. Như vậy, liệu có xảy ra chuyện các trường sẵn sàng chịu phạt để tuyển vượt chỉ tiêu?

Ông Phùng Quán (trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Việc xử phạt này quá nhẹ và không đủ răn đe các trường ĐH tuyển dư số lượng. Số tiền phạt quá ít so với học phí thu được. Do đó, phải phạt bằng số học phí tuyển sinh dư (số phần trăm tuyển sinh vượt chỉ tiêu x học phí 1 năm x 4 năm) và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

 Trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. (Ảnh: Khánh Huy)

Trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. (Ảnh: Khánh Huy)

Bộ vẫn vẫn cần thanh, kiểm tra thường xuyên

Dù Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Bộ cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm. Các cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Nhưng tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu thực tế năm nào cũng có.

Bộ GD&ĐT từng chỉ ra tình trạng một số cơ sở giáo dục ĐH xác định chưa chính xác về số lượng giảng viên, kê “khống” giảng viên nhằm mục đích tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Bộ sau đó đã có các văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các trường cần xác định đúng số lượng giảng viên cơ hữu và gửi báo cáo đội ngũ giảng viên chi tiết đến từng chuyên ngành, số chứng minh nhân dân của giảng viên để xây dựng dữ liệu giảng viên cho toàn ngành.

Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH đăng tải công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh số lượng và tên tuổi của các thí sinh trúng tuyển để các em có thể tra theo tên, biết mình nằm trong danh sách trúng tuyển của trường nào; trường nào tuyển sinh chui, “kê khống”.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2021, bà Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT cho biết: “Trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong tất cả các khâu từ đăng ký, thi tuyển đến xét tuyển. Công tác tuyển sinh sẽ đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo, đồng thời kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường”.

Nhiều ý kiến cho rằng: Để đảm bảo chất lượng đầu vào; sự minh bạch, cạnh tranh công bằng giữa các trường; giúp phụ huynh và thí sinh dễ dàng theo dõi; phục vụ cho việc giám sát, thực hiện hậu kiểm trong mùa tuyển sinh năm nay… việc xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy chế tuyển sinh là cần thiết, trong đó, vai trò thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT phải tăng cường hơn nữa. Không nên chỉ nghĩ rằng xử lý vi phạm chỉ dừng ở mức phạt tiền. Trường cố tình vi phạm có thể bị trừ chỉ tiêu năm sau, cấm tự chủ tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, bị phạt hành chính, hình sự… tùy theo mức độ vi phạm.

Quan trọng hơn cả, khi tự chủ và minh bạch, chất lượng và sự nghiêm túc chính là uy tín của chính các trường.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-bien-phap-de-ngan-chan-xe-rao-tuyen-sinh-da-du-suc-ran-de-225916.html