Nhiều biện pháp chống nóng cho cây trồng

Những ngày qua, khu vực TP Hà Nội trải qua đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa mùa và sinh trưởng của một số cây trồng. Để bảo đảm thời vụ, nông dân các địa phương và ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với nắng nóng.

Từ 4h sáng, bà Hoàng Thị Lan, ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) đã thúc giục các thành viên trong gia đình ra đồng cấy lúa vụ mùa. Bà Lan cho biết, nếu vụ mùa năm trước, chỉ cuối tháng 6 là gia đình đã cấy xong. Nhưng do nắng nóng nên hiện nay gia đình vẫn còn gần 2 sào chưa cấy.

Tương tự gia đình bà Lan, nhiều hộ dân ở huyện Đông Anh cũng bị ảnh hưởng tiến độ gieo cấy bởi nắng nóng. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, tính đến ngày 4-7, huyện Đông Anh gieo cấy được 1.200/6.200ha lúa vụ mùa. Ngoài một số xã có tập quán cấy muộn như: Đông Hội, Liên Hà, Vân Hà, Việt Hùng... thì nắng nóng gay gắt những ngày qua là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ gieo cấy vụ mùa.

Nắng nóng cũng làm cây lúa, rau màu có nguy cơ bị hư hỏng. Ông Nguyễn Huy Oánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) cho biết đã hoàn thành gieo cấy gần 342ha lúa vụ mùa từ cuối tháng 6-2018. Tuy nhiên, nắng nóng những ngày qua đã khiến 20% diện tích lúa mới cấy bị rơm đầu lá. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thiếu nước chăm sóc, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất là rất cao...

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến ngày 4-7, toàn thành phố đã cấy hơn 60.000ha, đạt gần 65% diện tích gieo cấy vụ mùa. Các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên có truyền thống gieo cấy lúa mùa sớm nên trên khắp các cánh đồng đã phủ kín màu xanh. Hiện tại, nông dân đang tập trung chăm sóc để lúa không bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.

Từ tháng 6 vừa qua, khu vực Hà Nội không xảy ra nhiều trận mưa lớn nên một số ao, hồ chứa nước ở huyện Ba Vì, Mỹ Đức... bị suy giảm dung tích. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ mùa, những ngày vừa qua, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng xuống đồng kiểm tra, lắp đặt bổ sung, vận hành hệ thống trạm bơm tưới dã chiến để đưa nước lên mặt ruộng.

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đã lắp đặt thêm 20 máy bơm chạy bằng nhiên liệu dầu, dẫn nước từ sông Đáy, sông Mỹ Hà cấp bổ sung cho hồ Quan Sơn (Mỹ Đức). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là do nắng nóng nên người dân chưa chủ động dẫn nước lên mặt ruộng để phục vụ gieo cấy, tưới dưỡng cho diện tích lúa đã cấy…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với điều kiện nắng nóng như hiện nay, nhân dân cần tập trung gieo cấy những diện tích còn lại vào sáng sớm và chiều mát nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến sinh trưởng của cây lúa sau cấy. Đối với cây rau, người dân cần che lưới chống nắng, tưới nước cho cây vào chiều muộn hoặc sáng sớm, tỉa bớt cây héo và chết.

Những diện tích rau đã bị chết, người dân có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như ớt, mướp đắng… Với một số diện tích có điều kiện đặc thù không thể chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương cần hướng dẫn nhân dân phương pháp chống nắng, như: Phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới và thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất...

Huyền Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/906707/nhieu-bien-phap-chong-nong-cho-cay-trong