Nhiều bị cáo vụ gian lận điểm Sơn La không nhận tội

Cựu thượng tá công an tại Sơn La cùng nhiều bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.

Ngày 25-5, phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi của TAND tỉnh Sơn La tiếp tục làm việc phần tranh luận. Các bị cáo cùng luật sư bào chữa thực hiện việc đối đáp với quan điểm buộc tội của đại diện VKS.

Cựu thượng tá công an đưa hối lộ

Trong bản luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 12-13 năm tù về tội đưa hối lộ. Ông Khoa bị cáo buộc đưa cho Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng khảo thí) 1 tỉ đồng để nâng điểm cho hai thí sinh.

Tuy nhiên, bị cáo Khoa nói mình không phạm tội và cho rằng nội dung bản luận tội của đại diện VKS không khác gì bản cáo trạng, còn bản cáo trạng thì giống kết luận điều tra.

Bị cáo này dẫn chứng trước khi tòa tuyên trả hồ sơ hồi tháng 10-2019, khi mà bị cáo Huynh thừa nhận cầm 1 tỉ đồng để nâng điểm, cả cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS đều xác định không đủ căn cứ quy kết hai người có hành vi đưa, nhận hối lộ.

Thế nhưng sau khi trả hồ sơ, ông Huynh thay đổi lời khai, phủ nhận việc nhận 1 tỉ đồng thì cơ quan tố tụng lại kết luận hai người phạm tội. Bị cáo cho rằng việc kết tội chỉ dựa vào lời khai ban đầu của ông Huynh, không dựa vào lời khai sau này là không có căn cứ. Ông Khoa cũng phủ nhận lúc 22 giờ ngày 13-6-2018 có đến nhà ông Huynh đưa 1 tỉ đồng để nhờ nâng điểm cho hai thí sinh.

VKS cho rằng trong ngày 27-6-2018, ông Khoa đến nhà ông Huynh để đưa thông tin hai thí sinh nêu trên. Trong khi ông Khoa nói “rất là uất ức và thấy vô lý”, CQĐT chưa bao giờ cho bị cáo và ông Huynh đối chất, làm rõ tình tiết này.

Bị cáo còn đề nghị VKS cung cấp các chứng cứ buộc tội như băng ghi âm, ghi hình, người chứng kiến, giấy biên nhận. Đồng thời, ông Khoa còn nhắn nhủ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp “hãy đồng hành cùng bị cáo lên tiếng để làm rõ có hay không việc đưa hối lộ”.

Khi đưa ra các căn cứ để buộc tội, đại diện VKS khẳng định bị cáo Khoa đã thừa nhận có đưa thông tin thí sinh cho Lò Văn Huynh để nhờ xem điểm trước. Tuy nhiên, ông Huynh cùng hai bị cáo khác là Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng (hai cựu cán bộ công an tỉnh) đều khai nhận ông Khoa đưa thông tin thí sinh là để nhờ nâng điểm chứ không phải chỉ để xem điểm.

Theo VKS, thực tế các thí sinh ông Khoa nhờ xem điểm đều được nâng điểm. Kết quả giám định và chấm thẩm định, các thí sinh này đều bị hạ điểm, phù hợp với lời khai về số tiền 1 tỉ đồng mà gia đình ông Huynh đã giao nộp…

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa, Lò Văn Huynh và Trần Xuân Yến (từ trái qua).

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa, Lò Văn Huynh và Trần Xuân Yến (từ trái qua).

Trưởng phòng khảo thí thay đổi lời khai

Ngoài nhận 1 tỉ đồng của Nguyễn Minh Khoa, Lò Văn Huynh còn bị quy kết nhận 300 triệu đồng của Lò Thị Trường (phụ huynh thí sinh) để nâng điểm thi. Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo 23-25 năm tù về hai tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và nhận hối lộ.

Tự bào chữa, ông Huynh thừa nhận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ cũng như việc nhận hối lộ 300 triệu đồng, mong HĐXX xem xét cho hưởng sự khoan hồng.

Với cáo buộc nhận 1 tỉ đồng, cũng giống bị cáo Khoa, cựu trưởng phòng khảo thí cương quyết bác bỏ, mặc dù cách đây nửa năm từng thừa nhận. Ông Huynh khẳng định không nhận tiền của ông Khoa, tiền này là do bị cáo bán đất và cho em vợ vay làm nhà.

Trước đó, trong phần xét hỏi, ông Huynh lý giải về việc tại phiên tòa hồi tháng 10-2019, sở dĩ bị cáo thừa nhận việc nhận 1 tỉ đồng của ông Khoa là vì nhận thức chưa đầy đủ hành vi vi phạm của mình nên khai không đúng, làm ảnh hưởng đến những người khác.

Sau khi tòa tuyên trả hồ sơ, ông đã suy nghĩ và nay khẳng định lời khai trước tòa là đúng sự thật, đề nghị HĐXX trả lại 1 tỉ đồng mà em vợ ông đã nộp cho CQĐT.

Dù vậy, khi luận tội, đại diện VKS cho rằng lời khai trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hồi tháng 10-2019 cho thấy ông Huynh đã giúp Khoa nâng điểm cho hai thí sinh và được Khoa đưa cho 1 tỉ đồng.

Sau khi bị khởi tố bổ sung về tội nhận hối lộ, bị cáo thay đổi lời khai. Tuy nhiên, căn cứ vào bản kê khai tài sản, kết quả xác minh tài sản đối với bị cáo, việc thay đổi lời khai như trên là không có căn cứ.

Cựu sếp ngành giáo dục phủ nhận mọi cáo buộc

Xác định là người có vai trò chính trong vụ án, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) 7-8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tự bào chữa, ông Yến cho hay không nhất trí với cáo trạng cũng như bản luận tội của VKS. Bị cáo cho rằng không ai nhờ mình và mình cũng không nhờ ai nâng điểm, bản thân không có động cơ vụ lợi nào. Ngoài ra, bị cáo không đồng thuận hay cho phép các bị cáo khác rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để nâng điểm.

Cựu phó giám đốc cũng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới xóa dữ liệu bài thi trên máy tính, vì cho rằng việc sao lưu dữ liệu để bảo quản là cần thiết, nhằm phát hiện việc can thiệp bài thi ở khâu xử lý ảnh…

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nhieu-bi-cao-vu-gian-lan-diem-son-la-khong-nhan-toi-914761.html