Nhiều bệnh viện vẫn 'mất điểm' bởi... nhà vệ sinh

Những ai đã từng vào nhà vệ sinh (NVS) công cộng đều hãi cảnh mất vệ sinh nghiêm trọng. Đặc biệt là ở bệnh viện - đáng ra một nơi chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân thì cái gì cũng sạch sẽ, nhưng với NVS thì không 'đơn giản'...

Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện. Theo khảo sát của Bộ Y tế về sự hài lòng của người bệnh, vẫn còn có tới 21% người bệnh không hài lòng về chất lượng bệnh viện, trong đó chủ yếu là nhà vệ sinh “bốc mùi” và thời gian chờ khám.

Hiện người bệnh kém hài lòng nhất về tiêu chí nhà vệ sinh BV, với điểm hài lòng chỉ đạt 3,58/5 điểm... Theo khảo sát các cơ sở y tế toàn quốc của Bộ Y tế năm 2017, gần 17% ở mức 1-2 (rất tệ).

Người nhà bệnh nhân phơi đồ, ăn, ngủ, nghỉ tại lối dẫn vào nhà vệ sinh.

Vậy việc để nhà vệ sinh dơ bẩn lỗi tại ai? Tất nhiên lỗi về NVS dơ ở bệnh viện không phải từ giám đốc bệnh viện hay trưởng khoa bởi rất nhiều người nhà bệnh nhân và bệnh nhân kém ý thức. Họ đi vệ sinh rồi không dội nước hoặc dội nước qua loa. Có nhiều người nhà bệnh nhân còn sử dụng nước dội cầu để tắm giặt. Điều này chẳng những làm ảnh hưởng sức khỏe một cá nhân mà còn cho cả tập thể.

Từ một người, hai người... dẫn đến một tập thể như vậy, thành ra NVS ở bệnh viện phát khiếp. Ngay cả những người lao công vì kinh hãi quá nên bực, không thèm dọn dẹp. Cũng tội cho những người lao công, họ đã quá quen thuộc và cảm thấy uổng công dọn dẹp hàng ngày, đôi lúc đành buông xuôi. Bởi sức lực của họ cũng chỉ có giới hạn. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn thuộc về giám đốc bệnh viện.

Ai đã từng đến những bệnh viện ở các nước trên thế giới sẽ rõ, NVS cực kỳ sạch sẽ. Hoặc giả ngay ở những NVS bệnh viện tư, quán bar, nơi mà mọi người dùng công cộng nhưng vẫn sạch tinh tươm chứ không mất vệ sinh như NVS ở bệnh viện công. Vậy rõ ràng trách nhiệm của giám đốc về việc để NVS bệnh viện mất vệ sinh là hợp lý. Họ giỏi về chuyên môn nhưng yếu kém về quản lý. Vì vậy, cần phải kỷ luật bác sĩ trưởng khoa, giám đốc bệnh viện nếu để NVS ở bệnh viện kém vệ sinh nhằm làm gương và xóa bỏ tình trạng này tái diễn.

Trong nhà vệ sinh, người nhà bệnh nhân còn sử dụng vào mục đích rửa thức ăn, tắm, giặt giũ.

Ngoài ra, để NVS ở bệnh viện công sạch sẽ thì cần có nhiều yếu tố khác. Trước tiên là thêm các biện pháp tuyên truyền để người sử dụng NVS phải biết giữ gìn vệ sinh chung. Cần bỏ ngay suy nghĩ “cha chung không ai khóc”. Nên tăng lương và các khoản phụ cấp khác cho lao công dọn dẹp ở bệnh viện công giống như ở quán bar, bệnh viện tư, rạp chiếu phim, siêu thị... để họ tận tụy hết mình với công việc và có động lực gắn bó với nghề. Bệnh viện cần đặt nhiều bảng tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh ở ngay NVS bệnh viện để người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cảm thấy “nhột” mà tự bỏ thói quen xấu.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhieu-benh-vien-van-mat-diem-boi-nha-ve-sinh-n144583.html