Nhiều bệnh viện Mỹ cạn tiền, có thể phá sản

Bệnh nhân nhiễm virus corona đang chật kín các bệnh viện khiến các cơ sở y tế đứng trước nguy cơ đóng cửa vì cạn kiệt nguồn lực tài chính.

Theo Wall Street Journal, một trong những chuỗi bệnh viện lớn nhất nước Mỹ - HCA Healthcare - đã phải đóng cửa các phòng khám và cắt giảm giờ làm. Một hệ thống phòng khám tư nhân khác ở Dallas (bang Texas) cũng cho 1/3 nhân viên nghỉ phép, trong khi 700 nhân viên tại một hệ thống phi lợi nhuận gồm 48 bệnh viện phải nghỉ việc tạm thời.

Khi virus corona chủng mới đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) lây nhiễm cho hàng nghìn người Mỹ, các bệnh viện và bác sĩ Mỹ phải đối mặt với một vấn đề khác. Đó là việc ngân sách thu hẹp có thể làm cạn kiệt nguồn lực y tế cần thiết và đe dọa hoạt động của các bệnh viện đang gặp khó khăn về tài chính.

Giảm doanh thu

Bệnh nhân nhiễm virus corona đang chật kín các bệnh viện ở những thành phố như New York (bang New York), New Orleans (bang Louisiana) và Detroit (bang Michigan). Tình trạng đó khiến số ca cấp cứu, thăm khám thường xuyên và phẫu thuật khác giảm mạnh. Chúng là nguồn tiền quan trọng đối với hầu hết bệnh viện.

Không những thế, các bệnh viện còn phải đốt tiền để mua thiết bị bảo hộ y tế chống dịch Covid-19.

“Sẽ có một làn sóng ập đến khi các bệnh viện chưa chuẩn bị sẵn sàng. Khi doanh thu sụt giảm, họ phải cắt giảm chi phí và điều đó càng khiến họ thiếu sự chuẩn bị hơn”, Wall Street Journal dẫn lời ông Chas Roades, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Gist Health, nhận định.

Thống đốc tại ít nhất 17 bang đã kêu gọi các bệnh viên ngừng những cuộc giải phẫu không cần thiết trong vài tuần gầy đây. Bản thân các bệnh viện cũng hủy bỏ nhiều cuộc phẫu thuật để nhường chỗ cho bệnh nhân nhiễm virus corona và tiết kiệm thiết bị bảo hộ. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác quyết định không đến bệnh viện và làm theo yêu cầu giãn cách xã hội của chính phủ.

 Các bang kêu gọi bệnh viên ngừng những cuộc giải phẫu không cần thiết để nhường chỗ cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Các bang kêu gọi bệnh viên ngừng những cuộc giải phẫu không cần thiết để nhường chỗ cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Hôm 30/3, bệnh viện Williamson Memorial tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 4 sau khi doanh thu sụt giảm 45%. Số ca cấp cứu giảm khoảng 1/3, trong khi số ca điều trị nội trú giảm 2/3, theo Giám đốc điều hành Gene Preston.

“Bệnh viện đã cạn tiền nhưng vẫn được bảo đảm tài chính để tiếp tục duy trì cho đến khi có người tiếp quản. Tuy nhiên, hiện, Williamson Memorial không đủ tiền để chống đỡ áp lực mới”, ông Gene nói.

Gánh nặng tài chính

Các chuỗi bệnh viện lớn khác cũng không miễn nhiễm. Bon Secours Mercy Health - một tổ chức phi lợi nhuận có cơ sở y tế trên 7 bang - cho biết họ sẽ cho phép 700 nhân viên hành chính nghỉ phép không lương.

"Chúng tôi đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong tương lai gần", Bon Secours thừa nhận.

Chuỗi HCA Healthcare cũng đang tìm cách không sa thải hoặc yêu cầu nhân viên nghỉ phép. Công ty sẽ chuyển các nhân viên nhàn rỗi sang làm những công việc khác và trả 70% tiền lương cho các nhân viên còn lại.

"Việc giữ lực lượng lao động là rất quan trọng", CEO Sam Hazen cho biết. Hơn 40.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian đủ điều kiện nhận lương nghỉ phép, trong khi các giám đốc điều hành sẽ bị giảm 30% lương, theo ông này.

Các bệnh viện Mỹ chịu áp lực tài chính lớn vì nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế khan hiếm. Ảnh: Getty Images.

Gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD được ký thành luật hôm 27/3 bao gồm 100 tỷ USD trợ giúp các bệnh viện và cơ sở y tế. Tuy nhiên, họ không biết tiền sẽ được phân chia theo cách nào và bao giờ đến tay bệnh viện.

Hôm 31/3, Hiệp hội Bệnh viện Mỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chi ngay 23 tỷ USD để trao cho các bệnh viện 25.000 USD trên mỗi giường bệnh. Người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cho biết chính quyền “đang hành động nhanh chóng và quyết đoán để chống lại Covid-19 và bảo vệ người dân”.

Tại bệnh viện Three Rivers, các giám đốc đang chờ viện trợ từ chính phủ để bù lại mức sụt giảm doanh thu lên đến 42% trong tháng 3. Với sự giúp đỡ của bang, Three Rivers có thể trả lương cho nhân viên thêm vài tuần nữa. Tuy nhiên, bệnh viện không biết làm cách nào để nhận được một phần khoản cứu trợ 100 tỷ USD của liên bang.

Hiện, sổ sách của Three Rivers chỉ ra tổng giá trị hóa đơn chưa thanh toán của bệnh viện lên đến 900.000 USD. Trong khi đó, số lượt thăm khám sức khỏe và ca cấp cứu sụt giảm trầm trọng khiến bệnh viện không đủ khả năng chi trả.

Đốt tiền vì dịch Covid-19

Chuỗi bệnh viện Beaumont Health cũng cần thêm khoảng 12 triệu USD để duy trì hoạt động và có đủ nguồn lực y tế trước khi đại dịch bùng phát trong khoảng 200 ngày. Hiện, Beaumont mất khoảng 70 triệu USD mỗi tháng vì tạm dừng các cuộc giải phẫu không cần thiết.

Trong khi đó, hệ thống đang đốt tiền để ứng phó với đại dịch. Tính đến ngày 31/3, Beaumont đã điều trị cho khoảng 900 nhiễm virus corona.

Theo Giám đốc John Fox, tiền mặt dự trữ của hệ thống đã cạn kiệt vì thị trường lao dốc. Từ đầu năm đến ngày 27/3, danh mục đầu tư của Beaumont đã sụt giảm 10%.

Các công ty xếp hạng tín dụng lớn đều hạ thấp triển vọng của ngành y tế xuống mức tiêu cực, bởi những nỗ lực chống đại dịch khiến lợi nhuận của ngành này và toàn bộ nền kinh tế sụt giảm trầm trọng.

Theo ông Gary Taylor, chuyên gia tại JPMorgan Chase & Co, sự giúp đỡ của liên bang cũng không thể bù đắp được toàn bộ tổn thất của ngành. Dựa trên một khảo sát hồi tuần trước, doanh thu của các bệnh viện sụt giảm 40-60% do số ca cấp cứu và điều trị nội trú sụt giảm.

Ngược lại, các công ty bảo hiểm sức khỏe lại hưởng lợi từ tình trạng này nhờ tiết kiệm được tiền khi những ca phẫu thuật bị hủy bỏ.

Theo giới phân tích, việc điều trị cho các trường hợp nhiễm virus corona cũng đem lại ít lợi nhuận hơn. Một phần nguyên nhân là đa số bệnh nhân đều có bảo hiểm y tế quốc gia Medicare. Ngoài ra, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cũng phức tạp và tốn kém hơn.

Tại Dallas, bà Chrisette Dharma - Chủ tịch Hiệp hội Y học Gia đình Tây Nam - phải cho phép 9 trên tổng số 27 nhân viên nghỉ phép và bỏ tiền túi để hỗ trợ họ. Dịch Covid-19 khiến doanh thu tại đây sụt giảm 75%. Hiện, bà đang trông chờ sự giúp đỡ từ chương trình mới của chính phủ liên bang. “Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện”, bà Dharma tuyệt vọng.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-con-benh-nhan-thuong-nhieu-benh-vien-my-pha-san-post1067979.html