Nhiều bất ổn dài hạn dù Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đình chiến thương mại

Ngày 1/7, một quan chức cấp cao tại Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) nhận định bất ổn bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao dù lãnh đạo của hai nước đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong cuộc gặp song phương hồi cuối tuần qua.

Phát biểu với báo giới, Phó Thống đốc BOK Yoon Myun-shik cho rằng nhìn chung, trong ngắn hạn thì đây là chuyển biến tích cực nhưng về lâu dài vẫn còn rất nhiều bất ổn. Ông Yoon lưu ý BOK dự kiến hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ cải thiện khi những điều kiện thị trường thế giới tốt lên nhưng dù giá thiết bị bán dẫn đã tăng trong nửa cuối năm thì tốc độ phục hồi của thị trường này vẫn trì trệ. Ông Yoon hy vọng kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc hồi cuối tuần qua sẽ có ảnh hưởng tốt về mặt tâm lý, mở ra niềm tin rằng hai bên tranh chấp đang hướng tới một giải pháp và từ đó sẽ tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận này được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo nhất trí tạm ngừng cuộc chiến thương mại sau cuộc gặp được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Osaka, Nhật Bản, đồng thời hai bên nhất trí khởi động lại cuộc đàm phán thương mại song phương. Hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc đã chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến này vì Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Hàn Quốc.

Trong diễn biến liên quan, ngày 1/7, cựu Thượng nghị sĩ bang California ông Bob Huff cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên "cố gắng và nhanh chóng tìm ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi" để đạt được các kết quả đàm phán thương mại có ý nghĩa trong dài hạn. Chính trị gia của đảng Cộng hòa nhấn mạnh cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào thương mại và du lịch.

Với các trường đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới, Mỹ thu hút tài năng từ nhiều nơi thế giới, nhiều người trong số đó đã ở lại và giúp thúc đẩy ngành công nghệ cao. Thông qua trao đổi thương mại, các thiết kế ở Mỹ được chuyển đến các quốc gia khác, thường là Trung Quốc, để chế tạo ra các thiết bị. Ông Huff kêu gọi hai bên tái khởi động các cuộc đàm phán và nỗ lực hết sức để nhanh chóng tìm ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi đặc biệt sau khi 11 vòng đàm phán thương mại kéo dài cho đến nay. Ông Bob Huff - đồng thời là người sáng lập nhóm chuyên gia cố vấn Huff Strategies có trụ sở tại Los Angeles, nhấn mạnh rằng một giải pháp cùng thắng sẽ có lợi cho cả hai nước và thế giới.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-bat-on-dai-han-du-my-trung-dat-thoa-thuan-dinh-chien-thuong-mai-20190701144056572.htm