Nhiều bất cập trong tiêu chuẩn thủy sản

Câu chuyện bất cập về quy định chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng tại Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm trên 'sân nhà'. Đặc biệt, với quy định tiêu chuẩn cao hơn cả thị trường EU, thủy sản Việt không có 'cửa' để vào các siêu thị Việt.

Nhiều “rào cản” khiến thủy sản Việt rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa

Cao hơn cả... EU

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị gửi lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Mai Tiến Dũng về bất cập liên quan đến mức giới hạn phân tích tối thiểu (Minimum Required Performance Limit – MRPL) của chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.

Theo Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, hiện Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRT) với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng mà chưa ban hành quy định MPRL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng trên thủy sản. Điều đáng chú ý, theo Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 của Ủy ban châu Âu (EC), khi kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MPRL thì vẫn được phép nhập vào EU để làm thực phẩm. Vậy vì sao những lô hàng dù đã đạt chuẩn theo quy định của EU lại không đạt quy định của Việt Nam? Phải chăng có chuyện lạ đời khi tiêu chuẩn Việt Nam lại cao hơn EU? Đây chính là một trong những bất cập khiến các doanh nghiệp thủy sản Việt gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm trên “sân nhà”.

Để tháo gỡ những khó khăn, trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát và nhanh chóng cắt bỏ những “rào cản” bất hợp lý để mặt hàng thủy sản Việt dễ dàng vào siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ nội địa…

Ông Nam cho rằng, bất cập này được VASEP phản ánh và kiến nghị hơn một năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đến cuối tháng 8/2018, VASEP đã có cuộc họp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông, lâm – thủy sản, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, nay đã gần hết tháng 10 nhưng VASEP vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

Những bất cập trong chính sách cộng với các loại phí đầu vào gia tăng, cũng như phải tăng chiết khấu cho hệ thống siêu thị đang khiến các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận ngay tại thị trường nội địa.

Siêu thị phải theo quy định

Đại diện các siêu thị cho rằng, từ trước đến nay họ đều căn cứ vào những quy định của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT để nhập hàng, mặt hàng nào không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại.

Chị Nguyễn Thanh Tình – Giám đốc Ngành hàng của hệ thống siêu thị Intimex cho biết, hàng hóa kinh doanh trong hệ thống siêu thị Intimex đều bắt buộc phải trong danh mục các chất được phép sử dụng và phải đảm bảo trong giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT.

“Chất cấm chủ yếu rơi vào các mặt hàng thủy, hải sản. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, siêu thị Intimex quy định tần suất kiểm tra, kiểm nghiệm mặt hàng này rất nghiêm ngặt, đồng thời ưu tiên chọn các mặt hàng thủy, hải sản thuộc chuỗi thực phẩm an toàn…” – chị Tình cho biết.

Còn đại diện bộ phận kiểm soát chất lượng hàng hóa của Hệ thống siêu thị Fivimart cho rằng, hiện Việt Nam chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng. Đối với mặt hàng lưu thông trong nước chỉ áp dụng MRL, không đủ tiêu chuẩn mức này là sẽ bị loại. Quy định này đã có từ lâu và Fivimart vẫn áp dụng mỗi khi nhập hàng, đặc biệt là đối với mặt hàng thủy, hải sản.

Nam Khánh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhieu-bat-cap-trong-tieu-chuan-thuy-san-3959650-b.html