Nhiều bất cập trong quản lý diện tích nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn

Trong những năm qua, người dân huyện Vân Đồn nuôi trồng thủy sản (NTTS) một cách ồ ạt, thậm chí nằm ngoài quy hoạch, lấn chiếm vào các tuyến luồng đường thủy nội địa, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lây lan dịch bệnh và mất trật tự ATGT.

Nuôi trồng thủy sản tại khu vực vùng biển thuộc thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn).

Nuôi trồng thủy sản tại khu vực vùng biển thuộc thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn).

Từ năm 2015 đến nay, huyện Vân Đồn đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện rà soát, quản lý việc giao đất, cho thuê đất mặt nước NTTS trên địa bàn.

Theo kết quả rà soát, hiện trên địa bàn huyện Vân Đồn có 14 tổ chức và 1.163 cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất bãi triều, mặt nước NTTS, tập trung ở các xã Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng và thị trấn Cái Rồng, với tổng diện tích trên 3.500ha. Căn cứ theo Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2018 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển NTTS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích này tăng khoảng 400ha.

Rất nhiều trường hợp NTTS không nằm trong quy hoạch; vượt ranh giới được giao, cho thuê; lấn chiếm mặt nước, vi phạm hành lang ATGT thủy nội địa; không chấp hành cam kết bảo vệ môi trường.

Ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy chỉ có 414/1.163 hộ dân có quyết định giao đất, cho thuê mặt nước NTTS, với tổng diện tích khoảng 959ha, còn lại 749 hộ dân chưa được cấp phép, nuôi trồng tự phát hoặc nằm ngoài quy hoạch, với tổng diện tích 591ha. Đối chiếu với quy hoạch NTTS, trong tổng số 414 hộ dân được cấp phép, hiện có 82 trường hợp đến nay không còn phù hợp quy hoạch, 161 trường hợp đã hết thời hạn giao đất, thuê mặt nước NTTS.

Đứng đầu là xã Đông Xá, địa phương có đến 183 trường hợp NTTS chưa được cấp phép, không phù hợp với quy hoạch hiện tại; thứ 2 là xã Ngọc Vừng, với 135 trường hợp chưa được cấp phép và 7 trường hợp vi phạm tuyến luồng đường thủy; thứ 3 là xã Hạ Long, với 127 trường hợp chưa được cấp phép.

Ông Nguyễn Thành Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá, cho biết: Trách nhiệm quản lý địa bàn là thuộc chính quyền cấp xã, tuy nhiên cái khó của chúng tôi là địa bàn rộng, địa hình trên biển phức tạp, phương tiện tuần tra, kiểm soát không được trang bị, nên không thể kiểm soát được hết. Chỉ cần một tuần không có lực lượng chức năng đi kiểm tra là người dân có thể lấn chiếm, hình thành nên những bè mảng NTTS lớn trên biển. Đây là thực trạng chung của các xã có diện tích mặt nước biển tại Vân Đồn.

Có khoảng 1.100 hộ gia đình, cá nhân đang NTTS trên vùng biển ở Vân Đồn.

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã đi kiểm tra thực địa, phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, lập biên bản nhắc nhở, vi phạm hành chính đối với 114 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa được Nhà nước giao, cho thuê, không đúng quy hoạch, lấn chiếm luồng lạch để NTTS. Trong đó đã xử phạt 11,5 triệu đồng và giải tỏa một số vị trí lấn chiếm luồng lạch trên tuyến đường thủy nội địa Cái Rồng - Minh Châu.

Qua kiểm tra cũng cho thấy nhiều người dân vẫn còn chưa nắm được thông tin NTTS một cách đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Hảo, xã Bản Sen, cho biết: Chúng tôi ít được tiếp cận thông tin về quy hoạch vùng nuôi, phạm vi, ranh giới các tuyến luồng đường thủy nội địa, cứ thấy mặt biển chỗ nào chưa có người nuôi thì nuôi.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Vân Đồn đang chỉ đạo phòng chức năng, địa phương kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng vùng nuôi. Đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê mặt nước NTTS đến nay đã hết hạn, sau khi UBND tỉnh chấp thuận cho phép thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê mặt nước NTTS, UBND huyện sẽ giao các cơ quan xem xét, tham mưu hướng dẫn các hộ lập lại hồ sơ; đối với các trường hợp chưa được cấp phép nhưng nằm trong vùng quy hoạch, yêu cầu thực hiện đăng ký, kê khai để được cấp phép sau khi có sự chấp thuận của UBND tỉnh; đối với những trường hợp nằm ngoài quy hoạch, yêu cầu sau mùa vụ tự nguyện di dời vào vùng quy hoạch và phải làm hồ sơ xin được cấp phép.

Hoạt động NTTS mang lại nguồn thu nhập lớn, góp phần xóa đói, giảm nghèo là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng NTTS tự phát, ồ ạt, không được cấp phép sẽ ảnh hưởng tới môi trường nước, cảnh quan, phá vỡ quy hoạch, mất ATGT đường thủy nội địa, thậm chí gây thiệt hại lớn về kinh tế nếu như xảy ra dịch bệnh hay thiên tai.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201910/nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-dien-tich-nuoi-trong-thuy-san-tai-van-don-2457149/