Nhiều bất cập trong giáo dục và bảo hiểm cần tháo gỡ

Chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 3-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng gồm các đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Kim Thúy, Ngô Thị Kim Yến, Võ Thị Như Hoa đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT)

Chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 3-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng gồm các đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Kim Thúy, Ngô Thị Kim Yến, Võ Thị Như Hoa đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) tại Trường THPT Phan Châu Trinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri ngành giáo dục TP và các vấn đề liên quan đến Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tại buổi TXCT ngành Giáo dục TP Đà Nẵng.

Đoàn ĐBQH tại buổi TXCT ngành Giáo dục TP Đà Nẵng.

Nhiều bất cập của ngành Giáo dục

Tại buổi TXCT, cử tri (CT) Lê Công Toàn đến từ Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đề nghị cần rà soát kỹ dự án Luật Giáo dục sửa đổi để không mâu thuẫn với các luật hiện hành như: Luật Giáo dục Đại học, Luật Dân sự, Hiến pháp... Góp ý cụ thể từng điều luật, CT Toàn đề nghị cần làm rõ việc phân luồng sau THCS mà trong dự án Luật Giáo dục sửa đổi chưa đề cập, khiến dễ lầm tưởng giáo dục nghề nghiệp là phân luồng. CT Toàn đề nghị cần làm rõ hơn trình độ chuẩn giáo viên các cấp từ mẫu giáo trở lên; những bất cập trong cách tính bảo hiểm xã hội của giáo viên giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập, gây thiệt thòi cho giáo viên các trường tư thục. CT Toàn cũng cho rằng, trong khi trường công được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thì trường tư lại được xem là doanh nghiệp, phải đóng thuế doanh nghiệp, không được hưởng ưu đãi... như vậy là không thỏa đáng, không thể hiện bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập.

Cử tri Nguyễn Tấn Thắng (Trường ĐH Duy Tân) kiến nghị về chuẩn đào tạo, không nên quy định giáo viên có trình độ tốt nghiệp đại học các loại và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vì đây là bước quá độ qua lâu rồi, ở Đà Nẵng hiện thuần túy chỉ có giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm. Hiện nay, việc tuyển sinh vào đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm đều có điểm sàn, đảm bảo chất lượng nhưng dự thảo không đề cập điều này. Về quản trị cơ sở giáo dục, ông Thắng cho biết thực tế hiện nay có hội đồng trường, chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng. Chức năng hội đồng trường thậm chí lớn hơn hiệu trưởng, vậy ai là người đứng đầu, nếu khi xảy ra việc gì thì chủ tịch hội đồng hay hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm, điều này cần phải quy định rõ. Về quản lý Nhà nước về giáo dục, ông Thắng cho rằng cần phân định rõ nếu không sẽ không thống nhất, không có sự bình đẳng trong điều hành hệ thống giáo dục. Ông Thắng nêu ví dụ: Ở cấp sở thì kế hoạch phát triển giáo dục phụ thuộc vào Sở Kế hoạch Đầu tư; tổ chức phụ thuộc vào Sở Nội vụ; tài chính phụ thuộc vào Sở Tài chính... ông đề nghị cần xem lại việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục như thế nào cho phù hợp với thực tế.

Đại diện Phòng Giáo dục Q. Hải Châu kiến nghị Luật Quy hoạch và Luật Giáo dục có liên hệ nếu không gây khó khăn trong hướng dẫn. Góp ý về điều 52, cử tri này cho rằng có nhiều loại hình trường tư thục, trong đó có trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, vậy làm sao xác định được điều này? Cơ quan quản lý nào giám sát để xác định việc vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận? Về trình độ chuẩn nhà giáo, vị này cho biết hiện nay đang vướng vì khi tuyển giáo viên mầm non và tiểu học yêu cầu phải có trình độ đại học, nhưng bất cập hiện nay là chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng, chuẩn của tiểu học và THCS là đại học nhưng khi tuyển dụng vào họ phải ăn lương giáo viên hạng 4 (lương trung cấp, hệ số 1,86) như vậy để đạt được mức lương của người vừa tốt nghiệp đại học ngành khác ra trường, họ phải mất ít nhất là 8 năm. Một khó khăn khác là trong giáo dục mầm non, bộ phận cấp dưỡng cũng được xem là bộ phận chính của nhà trường nhưng do không quy định trong luật nên khi thực hiện Thông tư 06 của Bộ Nội vụ về giáo dục thì các đơn vị trường học vô cùng khó khăn, bởi vì bộ phận cấp dưỡng mầm non không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà hưởng lương từ tiền bán trú, mà bán trú thì chỉ được 9 tháng trong năm học thôi, còn 3 tháng hè họ hưởng lương từ đâu?

Cử tri Trần Thị Phương (Phòng Giáo dục Q. Cẩm Lệ) nêu bất cập hiện nay là khung giờ học mầm non, tiểu học không trùng với giờ làm việc công chức viên chức, gây vất vả cho học sinh. Thường thì các trường tan học buổi trưa vào 11 giờ 15, buổi chiều từ 16 giờ 15 hoặc 16 giờ 30, khung giờ này bố mẹ chưa đi làm về, không có người đón con sẽ rất khó khăn cho các gia đình trẻ, đề nghị nghiên cứu thời gian đi học, tan trường trùng khung giờ làm của bố mẹ.

Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng Đinh Văn Hiệp báo cáo về nợ bảo hiểm các loại.

Vướng mắc thu nợ đọng bảo hiểm xã hội

Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng nghe báo cáo về tình hình nợ BHXH của các doanh nghiệp (DN). Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH TP Đinh Văn Hiệp cho biết: Tính đến ngày 31-3-2019, trên địa bàn Đà Nẵng có 4.727 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và tiền lãi với số tiền 336,9 tỷ đồng, trong đó có 12 đơn vị nợ các loại bảo hiểm lớn, không những không thực hiện đóng tiền xử phạt vi phạm hành chính mà còn không thực hiện kết luận thanh tra là chấm dứt hành vi nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHNT theo quy định, tiếp tục để nợ phát sinh hàng tháng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. BHXH TP đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi công nợ, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an điều tra, xử lý... Ông Hiệp cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong đôn đốc, xử lý thu hồi nợ, đồng thời kiến nghị Đoàn ĐBQH TP một số nội dung như: Có ý kiến với các cơ quan pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHNT ra tòa; kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý số tiền nợ của các đơn vị mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, còn tồn tại nhưng không có khả năng thu hồi... kiến nghị TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn về xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHNT như: Gian lận các loại bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp...

Thay mặt Đoàn ĐBQH, ĐB Nguyễn Thanh Quang tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cử tri ngành giáo dục và BHXH TP, hứa sẽ phản ánh trên tinh thần chung nhất tại các phiên họp cử tri.

K.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_205768_.aspx