Nhiều bất cập trong đầu tư hạ tầng tại các cảng cá

Thời gian qua, nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Số lượng tàu thuyền, nhất là tàu thuyền có công suất lớn được ngư dân đầu tư đóng mới tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề cá lại không theo kịp với sự phát triển đó, dẫn đến nhiều bất cập.

Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) đang trong tình trạng quá tải cần được đầu tư nâng cấp.

Tại Cảng cá Lạch Bạng, rất nhiều tàu vỏ gỗ, vỏ thép to lớn chen chúc nhau. Cảng cá chật hẹp, tàu thuyền xếp thành 3-4 hàng nên những con tàu áp sát cầu cảng khi tiếp xong nhiên liệu, đá lạnh phải rời đi ngay để tàu khác vào. Do luồng lạch nhỏ, thường xuyên bị bồi lắng, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra vào của các tàu công suất lớn. Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Hải Bình cho biết: Không vào được cảng, mỗi chuyến đánh bắt về, tàu của ông phải neo đậu cách cảng 2 đến 3 km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ. Khi vào được cảng, gặp con nước kiệt thì phải đợi, có khi cả tuần thủy triều mới đạt đỉnh tàu mới lại có thể ra khơi.

Được biết, Cảng cá Lạch Bạng gồm Cảng cá Hải Bình, Hải Thanh và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng, được giao cho Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng quản lý. Thời gian qua, ban quản lý cảng cá đã xây dựng nội quy quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, phương án phòng, chống lụt bão; điều động, sắp xếp tàu thuyền ra, vào neo đậu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao công tác quản lý cảng cá. 8 tháng đầu năm 2018, có 1.144 lượt tàu thuyền ra vào cảng; 7.817 lượt phương tiện vận tải qua cảng; bốc dỡ được 54.860 tấn hàng thủy, hải sản và 74.637 tấn hàng hóa khác. Cảng cá Lạch Bạng được đầu tư xây dựng với diện tích quy hoạch hơn 44 ha, trong đó diện tích mặt nước 1,75 ha và nhiều hạng mục công trình đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013. Sau khi đi vào hoạt động, đã thu hút lượng lớn tàu thuyền trong khu vực, các địa phương lân cận và một số tỉnh khác, neo đậu, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay luồng Lạch Bạng dẫn vào cảng xuất hiện tình trạng bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia” với tổng kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ đồng và được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2018.

TP Sầm Sơn hiện có 1.951 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 17 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ–CP của Chính phủ, công suất từ 825 CV đến 1.200 CV. Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với diện tích 45.000m2 (30.000m2 mặt đất, 15.000m2 mặt nước); 262m cầu cảng... và có khả năng tiếp nhận tàu cá đến 1.000 CV, cảng chủ yếu phục vụ cho tàu cá của ngư dân Sầm Sơn. Từ khi được đầu tư xây dựng đến nay, Cảng cá Lạch Hới chưa được nạo vét nên bị đất cát bồi lắng, nhiều nhất là vị trí chân cầu cảng với mức bồi lắng ở nhiều vị trí hơn 1m, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến thời gian làm dịch vụ của tàu cá; giảm năng lực, công suất bốc xếp tại cảng, nhất là các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67.

Đây cũng là thực trạng đang diễn ra đối với Cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), cảng được xây dựng vào năm 2007, với mục tiêu đáp ứng 200 đến 300 phương tiện tàu thuyền có công suất từ 400 CV trở lên ra vào, neo đậu, năng lực tiếp nhận thủy sản đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, cảng hầu như không được đầu tư kinh phí nạo vét, tu bổ. Tại Cảng cá Quảng Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương), với gần 400 phương tiện khai thác cá và 6 tổ dịch vụ thu mua trên biển. Từ khi cửa lạch xuất hiện tình trạng bồi lắng, ngư dân phải đợi nước lên mới ra vào được. Việc bồi lắng, xuống cấp của hạ tầng tại các cảng cá không chỉ ngư dân ảnh hưởng mà các loại dịch vụ liên quan như: Cơ sở sửa chữa tàu thuyền, các cơ sở làm đá lạnh, mua bán hải sản, xăng dầu, lương thực cũng rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài, do tàu thuyền không vào được cửa lạch.

Toàn tỉnh hiện có 7.441 phương tiện nghề cá, trong đó có 58 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ–CP của Chính phủ có công suất từ 800 CV trở lên, với nhu cầu sử dụng khoảng 27.543 lao động trực tiếp trên các tàu khai thác thủy, hải sản và hàng chục nghìn người hoạt động trong khâu dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển tàu xa bờ, công suất lớn là chủ trương mang tính chiến lược của Chính phủ nhằm tạo cơ hội cho ngư dân vươn khơi, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiệu quả của việc đầu tư, cải hoán tàu đánh bắt có công suất lớn để vươn khơi đang ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, tình hình bồi lấp tại cảng cá đang khiến cho hoạt động tàu thuyền, làm ăn sinh sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/vxopwi/new-article.aspx